11:31 29/05/2019

Trung Quốc rục rịch dùng đất hiếm để trả đũa Mỹ

An Huy

Giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm Trung Quốc và nước ngoài đã tăng mạnh trong những tuần gần đây

Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một mỏ đất hiếm của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc sử dụng vị thế thống lĩnh của nước này trên thị trường đất hiếm toàn cầu để chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương.

Tín hiệu về sự chuẩn bị này đã được phát đi thông qua một loạt tin bài trên truyền thông nhà nước Trung Quốc những ngày gần đây, và giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm Trung Quốc cũng tăng mạnh, hãng tin Bloomberg cho hay.

Trong một bài xã luận đăng ngày thứ Tư, tờ Nhân dân Nhật báo nói Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Bài báo thậm chí sử dụng một câu cảnh báo rất gay gắt và hiếm gặp rằng "đừng có nói là chúng tôi không cảnh báo trước". Câu này đã từng được Nhân dân Nhật báo sử dụng vào năm 1962 trước khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962.

Về vấn đề đất hiếm, bài báo nói không khó để trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng loại khoáng sản này để trả đũa trong chiến tranh thương mại.

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói rằng nước này đang "nghiêm túc" cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và cũng có thể triển khai các biện pháp trả đũa khác.

Một quan chức thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) nói với truyền hình trung ương CCTV rằng người dân Trung Quốc sẽ không vui khi chứng kiến những sản phẩm được làm ra từ đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc lại được dùng để gây trở ngại cho sự phát triển nước này.

Giá cổ phiếu của các công ty đất hiếm Trung Quốc và nước ngoài đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do đồn đoán rằng đất hiếm sẽ được Bắc Kinh sử dụng như một "con át chủ bài" trong chiến tranh thương mại.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một nhà máy biến đất hiếm, và đi cùng ông Tập trong chuyến thăm là Phó thủ tướng Lưu Hạc - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc. Chuyến thăm làm dấy lên nhận định rằng đất hiếm - một khoáng sản có ý nghĩa chiến lược - sẽ trở thành một vũ khí để Trung Quốc trả đũa Mỹ.

Trung Quốc, nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, là nguồn cung cấp khoảng 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu. Dù chỉ được sử dụng với lượng rất nhỏ, đất hiếm là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh (smartphone) cho tới thiết bị quân sự.

Vào năm 2010, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc cắt cung cấp đất hiếm vì lý do chính trị. Cáo buộc này bị Bắc Kinh bác bỏ, nhưng cũng đã đủ khiến giá đất hiếm trên thị trường toàn cầu tăng vọt và cả thế giới như "bừng tỉnh" trước rủi ro về sự phụ thuộc vào một nguồn cung.

Thị trường đất hiếm nằm dưới sự thống lĩnh của một số ít doanh nghiệp, gồm China Northern Rare Earth Group, Minmetals Rare Earth Co., Xiamen Tungsten Co. và Chinalco Rare Earth & Metals Co..

Trong phiên giao dịch sáng thứ Tư, giá cổ phiếu China Northern tăng tới 7,7% tại thị trường Thượng Hải. Cổ phiếu Lynas Corp., công ty sản xuất đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc, tăng tới 12% tại thị trường Sydney. Cả hai cổ phiếu này đều đã tăng trên 30% từ đầu tháng đến nay.

Cổ phiếu một công ty đất hiếm khác là China Rare Earth Holdings Ltd. niêm yết tại thị trường Hồng Kông thậm chí đã tăng giá gấp đôi trong tháng 5.