16:01 26/01/2024

Trung tâm dữ liệu, AI và tiền điện tử có thể “ngốn” lượng điện cao gấp đôi vào năm 2026

Thanh Minh

Nhu cầu tiêu thụ điện của Google sẽ tăng "gấp 10" khi hãng này tiếp tục phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo...

Theo báo cáo từ Cơ quan Điện lực Quốc tế (IEA), việc các trung tâm dữ liệu ngốn điện không còn là điều gì bí mật, nhưng sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và mối quan tâm liên tục đến tiền điện tử sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn cầu của các trung tâm dữ liệu có thể tăng gấp đôi vào năm 2026.

DỮ LIỆU TOÀN CẦU, AI VÀ TIỀN ĐIỆN TỬ SẼ TIÊU THỤ KHOẢNG 1.000TWH VÀO NĂM 2026

Các trung tâm dữ liệu toàn cầu, AI và tiền điện tử tiêu thụ ước tính khoảng 460 terawatt giờ (TWh) vào năm 2022, tương đương gần 2% tổng nhu cầu điện toàn cầu. IEA cho biết con số này dự kiến sẽ lên tới 1.000TWh vào năm 2026. Nói cách khác, các trung tâm dữ liệu sẽ tiêu dùng một lượng điện tương đương với lượng điện mà cả đất nước Nhật Bản sử dụng. Cơ quan Điện lực quốc tế có trụ sở tại Paris cho biết trong báo cáo Điện lực 2024: “Các quy định cập nhật và cải tiến công nghệ, bao gồm cả hiệu quả, sẽ rất quan trọng để giảm mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt từ trung tâm dữ liệu”.

Vào cuối năm 2023, chỉ có hơn 8.000 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Một phần ba trong số đó ở Mỹ, 16% ở châu Âu và khoảng 10% ở Trung Quốc. Tây Ban Nha từng là một địa điểm nổi tiếng đặt trung tâm dữ liệu của châu Âu do chi phí điện thấp hơn, nhưng ngày nay hầu hết trung tâm dữ liệu đều nằm ở các trung tâm tài chính như Frankfurt, London, Amsterdam, Paris và Dublin.

Nhu cầu năng lượng tăng mạnh từ các trung tâm dữ liệu, AI và tiền điện tử trái ngược với sự nỗ lực tiết kiệm điện, giảm tiêu thụ điện của các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, nhu cầu điện đã giảm 1,6% vào năm ngoái sau khi tăng 2,6% vào năm 2022, nhưng điều đó (có lẽ trớ trêu thay) một phần là do “thời tiết ôn hòa hơn”. IEA cho biết, dự kiến nhu cầu này sẽ tăng trở lại trong hai năm tới, mặc dù phần lớn sự tăng trưởng toàn cầu về nhu cầu điện của trung tâm dữ liệu có thể sẽ diễn ra ở Ireland và Đan Mạch.

Trong ba năm tới, IEA dự báo nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,4% mỗi năm. Báo cáo cho biết: “Sự gia tăng này sẽ được thúc đẩy bởi triển vọng kinh tế được cải thiện, điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn ở cả các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi”. “Đặc biệt ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc, nhu cầu điện sẽ tăng cao bởi quá trình điện khí hóa đang diễn ra trong các lĩnh vực dân cư và giao thông, cũng như sự mở rộng đáng chú ý của lĩnh vực trung tâm dữ liệu”.

Về AI, IEA dự đoán nhu cầu điện của Google sẽ tăng "gấp 10" khi hãng này tiếp tục phát triển công nghệ này. “Khi so sánh nhu cầu điện trung bình của một tìm kiếm thông thường trên Google (0,3Wh điện) với ChatGPT của OpenAI (2,9Wh mỗi yêu cầu) và xem xét 9 tỷ lượt tìm kiếm hàng ngày, điều này sẽ cần thêm gần 10TWh điện trong một năm”, IEA cho biết .

Tương tự, tiền điện tử sử dụng lượng điện tương đương toàn bộ lượng điện của đất nước Hà Lan và được dự báo sẽ tăng 40% trong vài năm tới. Tuy nhiên, IEA thừa nhận rằng “vẫn còn những điều không chắc chắn về tốc độ tăng tốc trong việc áp dụng tiền điện tử và cải thiện hiệu quả công nghệ”.

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU VỀ ĐIỆN

May mắn thay, có vẻ như việc sản xuất năng lượng cũng đang tăng trưởng nhanh chóng để xử lý toàn bộ lượng điện sử dụng thêm. Bloomberg lưu ý rằng các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhu cầu điện nên thế giới sẽ có đủ điện. IEA cho biết năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than, trở thành nguồn điện lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Ảnh chụp trung tâm dữ liệu Google ở Saint-Ghislain, Bỉ, từ trên không 
Ảnh chụp trung tâm dữ liệu Google ở Saint-Ghislain, Bỉ, từ trên không 

“Ngành điện hiện tạo ra nhiều lượng khí thải CO2 hơn bất kỳ ngành nào trong nền kinh tế thế giới, vì vậy thật đáng khích lệ với mức độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo và sự mở rộng ổn định của năng lượng hạt nhân cùng nhau đáp ứng tất cả sự gia tăng nhu cầu điện toàn cầu trong ba năm tới”, Giám đốc điều hành IEA Faith Birol nói với Bloomberg.

Việc sử dụng nước ngọt cũng tăng đều đặn khi các công ty công nghệ cố gắng đảm bảo tất cả các trung tâm dữ liệu của họ luôn mát mẻ. Microsoft và Google báo cáo mức tiêu thụ nước tăng đột biến lần lượt là 34% và 21% vào năm 2022 so với năm 2021.