Trưởng ban Tổ chức Trung ương tranh luận việc sửa Luật Công đoàn
Đai biểu Quốc hội trái chiều quan điểm về thời điểm sửa Luật Công đoàn
Phiên thảo luận chuyên về chương trình xây dựng luật của Quốc hội sáng 30/5, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (đại biểu đoàn Quảng Ninh) là một trong 6 vị đã tham gia tranh luận.
Nội dung tranh luận của ông Chính liên quan đến sự cần thiết sửa Luật Công đoàn.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, để kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội, thực tiễn cuộc sống cũng đang đặt ra yêu cầu phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung ít nhất 8 dự án luật trong năm 2019, trong đó có Luật Công đoàn.
Nhưng, theo một số vị đại biểu thì đặt vấn đề sửa đổi Luật Công đoàn trong thời điểm này là chưa thật cần thiết.
Đề xuất lùi sửa Luật Công đoàn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu lý do: trong các điều khoản Việt Nam cam kết CPTPP về điều khoản lao động công đoàn, có xác định là sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực thì điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực. Theo đó là ở cơ sở được thành lập tổ chức khác của người lao động, hay nói cách khác là sẽ có một tổ chức công đoàn mới. Đây là vấn đề mới, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, đại biểu nhấn mạnh.
Nêu sự cần thiết phải sửa Luật Công đoàn, đại biểu Phạm Minh Chính cho rằng quan trọng nhất là hiện nay cơ cấu người lao động ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực trong nhà nước đang thay đổi, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng lên rất nhanh. Cơ cấu của người lao động ở ngoài khu vực quốc doanh hiện nay lớn hơn nhiều so với cơ cấu người lao động trong khu vực quốc doanh hay là cơ cấu cán bộ công chức, viên chức.
Trong lúc đó luật của ta đang nghiêng về bảo vệ người lao động trong quốc doanh chứ chưa tập trung bảo vệ khu vực ngoài quốc doanh, ông Chính đánh giá.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ người lao động với giới chủ là bằng luật chứ không mang điều lệ, nghị quyết ra được.
Theo ông Chính thì Luật Công đoàn và Luật Lao động đang có điểm khác nhau. Đặt vấn đề sửa Luật Công đoàn là trọng tâm chuyển sang bảo vệ người lao động thuộc khu vực ngoài quốc doanh mà họ đang cần bảo vệ chứ không tập trung khu vực quốc doanh vì Đảng, Nhà nước lo hết rồi. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn phải sửa mới bám sát được cơ sở.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường "đặc biệt đồng tình" với ý kiến ông Chính về sự cần thiết phải sửa Luật Công đoàn, song vẫn "xin phép Quốc hội cho lùi thời gian sửa".
Ông Cường cũng nêu lý do CPTTP có điều khoản quy định về việc lập tổ chức của người lao động và người lao động tự do lập tổ chức của mình. "Trong thể chế chính trị của chúng ta có lẽ công đoàn sẽ là tổ chức đầu tiên chịu áp lực về việc đa tổ chức", ông Cường nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng có thể dự báo một câu chuyện có ba dạng thức của tổ chức công đoàn khác: một là do người lao động tự lập ra. Hai là do người sử dụng lao động lập và thao túng. Ba là (đặc biệt quan trọng, theo nhấn mạnh của ông Cường) là tổ chức phản động.
Nếu chúng ta sửa bây giờ mà không đặt vấn đề về việc lập các tổ chức đấy thì đến 2020 ta lại sửa tiếp và như vậy liên tục sửa, ông Cường lo ngại.
Thể hiện sự đồng tình với đại biểu Phạm Minh Chính, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) không đồng tình về việc cho rút dự án sửa luật về công đoàn. Theo đại biểu Minh thì phân tích của đại biểu Hiểu và Cường về sự cần thiết lùi sửa luật này là chưa thuyết phục.