Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Mỹ trước cuộc đàm phán thương mại
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Mỹ đừng hy vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ
Trước thềm cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Mỹ-Trung tại Bắc Kinh để bàn về vấn đề thương mại, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp đến phái đoàn Mỹ: đừng hy vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ.
"Washington không nên kỳ vọng rằng ‘cây gậy’ chiến tranh thương mại của họ sẽ buộc Bắc Kinh phải làm bất kỳ điêu gì mà phái đoàn Mỹ đưa ra. Cuộc đối thoại sắp tới này phải được diễn ra trên cơ sở bình đẳng và đoàn Mỹ phải đến đây với sự chân thành", hãng tin CNBC dẫn một bài xã luận do tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải ngày thứ Tư.
Theo dự kiến, cuộc gặp giữa quan chức Mỹ với phía Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao trong những tháng gần đây sau khi hai bên lần lượt dọa áp thuế mạnh tay lên nhiều tỷ USD hàng hóa của nhau.
Các quan chức Mỹ tới Bắc Kinh để đàm phán lần này có Bộ trưởng Bộ Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow.
Về phía Trung Quốc, theo Wall Street Journal, tham dự đối thoại có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, và cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Tập Cận Bình là ông Lưu Hạc.
"Thành phần đoàn đại biểu Mỹ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề thương mại Trung-Mỹ đối với Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể được thể hiện qua sự linh hoạt của phái đoàn trong cuộc đàm phán. Trung Quốc sẽ không từ bỏ các nguyên tắc của mình dù có đối mặt với sức ép", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc về thương mại, cho rằng nước này có những hành vi thương mại bất bình đẳng khiến Mỹ chịu sự thâm hụt ngày càng lớn. Ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.
Tuần trước, Trung Quốc tái khẳng định cam kết sẽ mở rộng hơn cánh cửa nền kinh tế, bao gồm nới lỏng các quy định về đầu tư đối với các hãng ôtô nước ngoài và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng động thái này không phải là một sự phản hồi trong xung đột thương mại với Mỹ.
Trung Quốc mở cửa vì đây là việc cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc và nếu điều này giúp một số quốc gia thu hẹp được thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thì đó "đơn thuần chỉ là một lợi ích phụ" - bài báo viết, đồng thời nói rằng Mỹ cần phải "có đi thì mới có lại" trong cuộc đàm phán sắp diễn ra.
"Nếu đoàn Mỹ đến Trung Quốc với niềm tin rằng quyết tâm mở rộng hơn cánh cửa nền kinh tế của Trung Quốc với thế giới bên ngoài là do sức ép của Mỹ, thì điều đó đồng nghĩa rằng đã mất nhiều thời gian để đính chính sự hiểu lầm mà không được", bài báo viết.
Trong một động thái khác có tính cảnh báo đối với Mỹ, Trung Quốc ngày 2/5 hạ mạnh tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ về mức 6,3670 Nhân dân tệ/USD, hãng tin Bloomberg cho hay.
"Trung Quốc có thể đã hạ mạnh tỷ giá Nhân dân tệ trước khi đàm phán thương mại với Mỹ, để họ có dư địa nâng tỷ giá trở lại sau đó nếu cần thiết", chiến lược gia tiền tệ Ken Cheung thuộc Mizuho Bank ở Hồng Kông nhận định.
Tại thị trường Hồng Kông, tỷ giá Nhân dân tệ sáng nay có lúc giảm 0,3%. Tại thị trường Bắc Kinh, tỷ giá Nhân dân tệ có lúc giảm 0,4%, còn 6,3565 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
"Trung Quốc có thể đang lo ngại rằng xung đột thương mại với Mỹ sẽ gây tổn thất cho xuất khẩu của họ, và họ đang gửi đi một tín hiệu rằng đồng Nhân dân tệ có thể bị giảm giá sâu hơn nếu căng thẳng leo thang", chiến lược gia Qi Gao thuộc Scotiabank ở Singapore nhận xét. "Nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ không để Nhân dân tệ mất giá nhanh, bởi như thế sẽ khiến dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc với tốc độ mạnh và khó kiềm chế".