TS.Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp tư nhân vẫn sợ lớn vì thể chế còn nhiều rủi ro
Doanh nghiệp tư nhân cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn rủi ro càng cao, đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc dừng lại
Kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung cải cách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ năm 1986. Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, Việt Nam đã tiến hành nhiều giải pháp cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước gắn với các kế hoạch năm 2011-2015 và 2016-2020.
Đánh giá về kết quả thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) nói: Quá trình sắp xếp lại, cổ phần hoá nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ từ lâu rồi nhưng thực tế cách thức thực hiện của chúng ta chưa đạt được như kế hoạch đặt ra. Nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác cũng chỉ có những đánh giá chung chung về khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian vừa qua, Nghị quyết số 12 đề ra mục tiêu tiếp tục sắp xếp lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cần có cách tiếp cận mới hơn về triển khai thực hiện để làm bừng lên, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước, làm sống động tiềm năng, khơi dậy sức mạnh của khu vưc này.
Nhà nước có thể thoái vốn chỗ này, đầu tư chỗ khác
Ông có thể chi tiết rõ hơn phương cách tiếp cận mới này là thế nào?
Đầu tiên về mặt tư duy, doanh nghiệp nhà nước hãy coi họ là doanh nghiệp đầu tiên, đừng coi họ là tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, nếu có thực hiện nhiệm vụ chính trị thì phải thực hiên qua nguyên tắc thị trường. Coi họ là doanh nghiệp thì có hai điều phải tư duy: Thứ nhất, đã là doanh nghiệp thì việc đầu tiên trong kinh doanh phải là lợi nhuận càng cao càng tốt. Thứ hai, đối với chủ sở hữu vốn nhà nước, phải đặt cho họ chỉ tiêu lợi nhuận cao.
Hiện nay, theo quy định của ta là bảo toàn phát triển phát triển vốn thì một đồng lợi nhuận được tạo ra cũng là phát triển vốn. Do đó, phải đặt cho họ mục tiêu cao nhất chỉ người tài giỏi mới có thể đạt được, chứ đừng đặt mục tiêu thấp ai cũng có thể làm được.
Thứ hai, đã là doanh nghiệp thì phải tự do, tự chủ kinh doanh, đừng hành chính hoá, can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đừng để một ông nào đó ở đơn vị hành chính sự nghiệp, ngồi bàn giấy ra quyết định can thiệp hoạt động doanh nghiệp. Đó là điều cấm kỵ. Là doanh nghiệp chỉ có người có chuyên môn về đầu tư kinh doanh mới làm công việc đó.
Thứ ba, phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh bình đẳng. Không phải chỉ cạnh tranh thị trường nội địa mà phải cạnh tranh toàn cầu. Chỉ khi đối mặt với toàn cầu mới là cạnh tranh thực sự. Hiện nay, chúng ta tưởng là mình đang quản lý chặt doanh nghiệp nhà nước nhưng là bất hợp lý, trái nguyên tắc thị trường.
Đối với cổ phần hoá, không phải cứ cổ phần hoá là một chiều, nhà nước thoái vốn chỗ này chỗ kia. Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư thì thoái chỗ này rồi đầu tư chỗ khác. Chứ không phải thoái rồi bỏ tiền vào ngân sách. Nguồn thu của cổ phần hoá không phả là nguồn thu ngân sách.
Hãy để doanh nghiệp sử dụng tiền đó đầu tư để tạo ra tài sản mới hoặc nhà nước thu về đầu tư vào các dự án cực kỳ quan trọng chứ đừng hoà vào đầu tư công sẽ không theo dõi được.
Như chúng ta cổ phần hoá Sabeco thu về 5 tỷ USD thì phải làm rõ được cái chúng ta tạo ra từ Sabeco là cái gì? Chúng ta đang có nguy cơ biến một tài sản tốt từ Sabeco thành một tài sản xấu. Điểm này cần chú ý.
Thể chế rủi ro khiến doanh nghiêp tư nhân sợ lớn
Bên cạnh Nghị quyết 12 cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng có Nghị quyết 10 thúc đẩy mạnh mẽ khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ông đánh giá thế nào về môi pháp lý cho khối doanh nghiệp tư nhân?
Nếu xét theo thời gian, chúng ta có thể nhận thấy chủ trương, chính sách thay đổi nhiều từ việc coi khối kinh tế tư nhân là bất hợp pháp, sang được thừa nhận, kinh doanh tồn tại hợp pháp vào năm 1990.
Sau đó, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh những gì mà cơ quan nhà nước cho phép năm 1999. Và từ 2000, khối kinh tế tư nhân được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về chính trị mà nói, từ không thừa nhận đến thừa nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, tiến tới là động lực quan trọng của nền kinh tế là đã có bước tiến thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ động lực để cho khu vực này bứt phá. Hiện nay chúng ta vẫn coi một bên doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất chủ yếu, một bên thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng, điều này có gì đó chưa cân bằng.
Hàm ý của ông là doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn, rào cản để phát triển, thưa ông?
Trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế. Một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Do đó, họ cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn rủi ro càng cao, đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc dừng lại.
Vấn đề cần giải quyết tại thời điểm hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, thực thi luật lệ hiệu quả, công bằng để doanh nghiệp tư nhân yên tâm, không sợ lớn nữa.
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức phát động Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế", ông kỳ vọng gì vào cuộc vận động này?
Công bằng mà nói có thì hơn không có. Còn nó thực sự hiệu quả như mong đợi của doanh nghiệp hay không theo tôi còn xa lắm. Là bởi vì chúng ta không có một bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền, tập hợp theo dõi, phân tích đánh giá từ những kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó khuyến nghị lên cơ quan nhà nước thẩm quyềm giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.
Vấn đề của doanh nghiệp thì có cả nghìn tỷ ý kiến. Theo tôi, nên có một cơ quan hay đội ngũ nhặt một ý kiến quan trọng rồi xử lý vấn đề đến nơi đến chốn để doanh nghiệp tư nhân thấy đây là một địa chỉ tin cậy để có thể phản hồi, gặp gỡ nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Người đứng đầu bộ phận này phải cực kỳ sát sao với doanh nghiệp, hiểu được doanh nghiệp và phải bảo vệ, một lòng phụng sự vì họ.