Từ 1/7/2019 tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 20/11
Với Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 20/11, Quốc hội đã quyết định không chọn phương án mới nào cho xử lý tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
Nhưng, điểm mới là từ khi luật có hiệu lực (1/7/2019) tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, thu nhập.
Luật hiện hành quy định cán bộ từ phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải kê khai tài sản.
Báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhắc lại quan điểm đã trình bày với Quốc hội, đó là việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…, những đối tượng này không phải kê khai hàng năm.
Tuy dự thảo luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng lại thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo luật, bà Nga nói.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (điều 30) qua các phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên. Ý kiến khác đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Có ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập, có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay, bảo đảm tính khả thi thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung. Các phương án về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trình Quốc hội đều đã được đánh giá tác động, cân nhắc về tính khả thi trên cơ sở tính toán cụ thể về số đối tượng chịu sự kiểm soát của mỗi cơ quan.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu. Kết quả có 330/456 ý kiến đại biểu, chiếm 68,04% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo luật. 83/456 ý kiến đại biểu, chiếm 17,11% tổng số tán thành với quy định: giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.
Tiếp thu đa số ý kiến, điều 30 của dự thảo luật quy định: giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.
Liên quan đến xác minh, tài sản thu nhập, điều 41 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị sửa đổi số tiền từ 300 triệu đồng xuống 100 triệu đồng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, theo mức biến động về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng phải kê khai hoặc phải giải trình đã được Chính phủ tính toán trên cơ sở cân nhắc quy định về mức tăng, giảm bất thường so với tài sản, thu nhập kê khai lần liền trước đó và thu nhập bình quân hàng năm. Mức này cũng có so sánh với mức giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ trong phòng, chống rửa tiền và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo luật.