13:39 23/08/2019

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng xuyên thủng mốc chặn

Đào Hưng

Mốc 23.200 VND/USD được xem là chốt chặn trên thị trường liên ngân hàng mỗi khi tỷ giá rơi sâu

Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào USD.
Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào USD.

Thời gian gần đây, khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thực tế tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được thu hẹp. Riêng trên thị trường liên ngân hàng, giá USD đã chính thức xuyên thủng mốc chặn của nhà điều hành.

Cập nhập mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế Ngân hàng MSB, thị trường ngoại tệ phiên 22/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.116 VND/USD, giảm 4 đồng so với phiên liền trước.

Trong khi, giá mua vào USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 23.200 VND từ đâu năm nay, và đây cũng được xem là mốc chặn đối với tỷ giá USD/VND.

Tại hơn tháng trước, tỷ giá này nhiều lúc đã chạm mốc chặn trên rồi bật tăng trở lại. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 22/8, thị trường liên ngân hàng ghi nhận tỷ giá USD/VND chính thức xuyên thủng mốc chặn từ sau quãng biến động mạnh tháng 4/2019.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 22/8 ở mức 23.199 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên liền trước. Với diễn biến này và trước cung ngoại tệ thuận lợi, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối.

Còn trên thị trường tự do, tỷ giá tiếp tục giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.190 – 23.220 VND/USD.

Tại diễn biến liên quan, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 - 0,06 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên trước đó; giao dịch tại qua đêm 2,95%; 1 tuần 3,08%; 2 tuần 3,20% và 1 tháng 3,37%.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch tại qua đêm 2,31%; 1 tuần 2,40%; 2 tuần 2,48%, 1 tháng 2,61%.

Ở nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Trong ngày có 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 10.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 24.999 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.