Ước tính số người bán dâm tại Việt Nam đang có độ vênh lớn
Ủy ban của Quốc hội ước tính 15.000 người, ILO ước tính hơn 100.000, còn theo Bộ Y tế là 87.000
Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu báo cáo tổng hợp kết quả giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng chống ma tuý và Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, giai đoạn 2011- 2016.
Về tổng quan, cơ quan giám sát cho biết đến tháng 9/2017, cả nước có 216.400 người nhiễm HIV còn sống, 87.500 người nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS.
Đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, tăng 10.617 người so với năm 2015.
Cụ thể hơn về tội phạm ma tuý, báo cáo nêu, từ năm 2011 đến hết năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 120.747 vụ, bắt 182.913 đối tượng, thu 4.991 kg heroin, 250,6 kg thuốc phiện, 2.611.332 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều tang vật, tài sản khác.
Đã truy tố, xét xử 90.290 vụ với 115.445 bị cáo, nhiều bị cáo đã bị tuyên mức cao nhất là tử hình hoặc tù chung thân.
Bình quân mỗi năm phát hiện, điều tra trên 20.000 vụ, bắt trên 30.000 đối tượng.
Căn cứ vào thống kê của các địa phương trên toàn quốc, báo cáo nêu con số ước tính hiện nay có khoảng hơn 15.000 người bán dâm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu một số con số tham khảo khác, đáng chú ý.
Như, theo kết quả của một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính số lượng người bán dâm ở Việt Nam hiện nay là 101.272 người, trong đó 72.000 người bán dâm là nữ, và hầu hết khách hàng là nam giới.
Còn theo ước tính của Bộ Y tế, số lượng người bán dâm ở Việt Nam hiện nay lại vào khoảng 87.000 người.
Cơ quan giám sát nhận định, hoạt động mại dâm hầu hết dưới dạng trá hình, tập trung trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện.
Về nguồn lực, báo cáo nêu, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 là 629 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng, các địa phương tự cân đối 529 tỷ đồng.
Nhưng, trên thực tế, các địa phương chỉ bố trí kinh phí rất hạn hẹp mang tính tượng trưng cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, chủ yếu sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, báo cáo nêu rõ.
Một số khó khăn nữa trong công tác phòng chống mại dâm cũng được chỉ ra tại báo cáo là người bán dâm sau khi bị bắt giữ, chỉ bị phạt tiền, hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái vi phạm.
Ngoài ra, công tác quản lý, hoà nhập cộng đồng còn khó khăn do người bán dâm cư trú không ổn định, không có việc làm.