"Vạ lây" thương chiến, Singapore tăng trưởng yếu nhất 1 thập kỷ
Do có mức độ phụ thuộc cao vào hoạt động xuất khẩu, kinh tế Singapore đã “vạ lây” thương chiến Mỹ-Trung
Nền kinh tế Singapore đạt tốc độ tăng trưởng yếu nhất một thập kỷ trong năm ngoái, khi ngành sản xuất nước này gặp khó. Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực là tăng trưởng kinh tế của đảo quốc sư tử đã có sự cải thiện nhẹ trong quý 4.
Do có mức độ phụ thuộc cao vào hoạt động xuất khẩu, kinh tế Singapore đã "vạ lây" khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại hàng đầu của nước này - diễn ra căng thẳng.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Chính phủ Singapore công bố ngày 2/1 cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 0,7% trong 2019, mức thấp nhất kể từ 2009 - thời điểm kinh tế toàn cầu chìm trong khủng hoảng và suy thoái. Mức tăng này giảm mạnh so với tốc độ tăng 3,1% đạt được trong 2018.
Năm nay, Chính phủ Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt 0,5-2,5%.
Trong quý 4 vừa qua, hai ngành dịch vụ và xây dựng của Singapore tăng trưởng tốt, giúp bù đắp sự suy yếu của ngành sản xuất, nhờ đó GDP có sự tăng tốc. Mức tăng GDP quý 4 của Singapore đạt 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,7% đạt được trong quý 3.
"Sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến Singapore. Năm 2019, chúng ta đã tránh được suy thoái. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng yếu hơn mức chúng ta mong muốn", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trong thông điệp đón năm mới hôm 31/12.
Singapore có thể tổ chức tổng tuyển cử trong vài tháng tới đây, có thể là sau khi nước này công bố kế hoạch ngân sách hàng năm vào ngày 18/2.
Hồi giữa tháng 10, ông Lý Hiển Long nói rằng sẽ là "may mắn" nếu kinh tế nước này đạt tăng trưởng dương trong năm 2019.
"Năm nay, kinh tế của chúng tôi sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với 1%", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Lý Hiển Long phát biểu tại một hội nghị ở Singapore hôm 17/10. "Nếu may mắn, chúng tôi sẽ tăng trưởng trên 0%, nhưng đà tăng trưởng đã suy giảm đi nhiều. Trong nền kinh tế đang có sự suy giảm niềm tin và nhiều sự bấp bênh".
Trước đó ít hôm, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, đã có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên kể từ 2016 để hỗ trợ nền kinh tế, bằng cách thu hẹp nhẹ biên độ tỷ giá.