VBF 2024: Loạt doanh nghiệp FDI đề xuất cấp thiết tháo gỡ vướng mắc chính sách
Trong môi trường cạnh tranh “đáng kinh ngạc”, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã nêu loạt đề xuất cấp thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc chính sách hiện nay tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2024…
Sáng 19/3, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cùng với phiên thảo luận chuyên sâu về trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc chính sách hiện nay được đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục được đưa ra tại VBF 2024. Đây là phiên thảo luận diễn ra nhiều năm tại các kỳ VBF nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca, trong môi trường cạnh tranh “đáng kinh ngạc” được đánh dấu bằng thương mại, phân chia địa lý và căng thẳng địa chính trị như hiện nay thì việc xây dựng các doanh nghiệp bền vững dựa trên hệ thống pháp luật đáng tin cậy, cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động tốt là đặc biệt quan trọng.
Là người đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận về vai trò của FDI trong bối cảnh mới tại Hội nghị, ông Denzel Eades, Phó Chủ tục Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.
“Tuy vậy, việc giải quyết một số thách thức pháp lý đang rất chậm trễ khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Denzel nói.
Cụ thể, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc, Dự thảo Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đã có hướng tiếp cận tiến bộ, bao gồm việc công nhận kết quả thẩm định quốc tế để đẩy nhanh thủ tục đăng ký thuốc trong nước, và mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế bao gồm khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm, cùng với nhiều sang kiến khác.
“Dựa trên hướng tiếp cận này, BritCham đề xuất việc tự động gia hạn hiệu lực giấy phép đăng ký lưu hành thuốc để tránh sự gián đoạn trong cung ứng thuốc, và việc cập nhật thường xuyên và định kỳ Danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả nhằm đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với các loại thuốc mới”, ông Denzel đề xuất.
Để thu hút thêm FDI và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học đời sống tại Việt Nam, ông Denzel cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam; quy định các biện pháp ưu đãi có ý nghĩa trong đăng ký thuốc và mua sắm thuốc đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm trong nước; tạo môi trường thuận lợi với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, và đảm bảo đầy đủ các quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lại phàn nàn rằng Dự thảo nghị định quy định về đăng ký chữ ký điện tử chuyên dùng là gánh nặng bất hợp lý đối với doanh nghiệp. Theo đó, toàn bộ hệ thống thiết bị phải được đặt tại Việt Nam và phải có 12 nhân viên phụ trách hệ thống.
“Nhiều thành viên của AmCham hoạt động như các chi nhánh hoặc công ty con của công ty mẹ và sử dụng hệ thống toàn cầu chung. Các công ty này sẽ không thể tuân thủ các điều kiện trong Dự thảo Nghị định. Vì vậy, AmCham mong muốn hợp tác với Bộ Thông tin Và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng khác để phát triển khuôn khổ hiệu quả và sự công nhận pháp lý chính thức về chữ ký điện tử và chữ ký số nhằm giúp khắc phục những trở ngại cho các công ty”, ông Joseph bày tỏ.
Cùng với đó, AmCham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên có các chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến và nới lỏng thủ tục hải quan và thanh toán. Đồng thời, đơn giản hóa các tài liệu mà ngân hàng, thẻ và ví điện tử yêu cầu để xử lý các giao dịch thanh toán thương mại điện tử có giá trị thấp, khối lượng lớn cho các công ty trong và ngoài nước.
Đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu – một vấn đề được các doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.
Nội dung dự thảo Nghị định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến từ ngày 19/12/2023 bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ, phạm vi và phương pháp hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo nội dung của dự thảo Nghị định này, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, gây lo ngại về phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi. Nếu nhóm doanh nghiệp này bị ảnh hưởng hoạt động có thể kéo theo các doanh nghiệp cung ứng khác, gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
“KoCham đề nghị Chính phủ Việt Nam phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài”, đề nghị.