06:00 21/07/2021

VDSC: Tăng trưởng GDP có thể xuống mức 5,6% năm 2021

An Nhiên

VDSC cho rằng tại thời điểm này, cả hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 dường như đều không thực tế...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo cập nhật vĩ mô Việt Nam với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế đối diện với rủi ro dịch bệnh”.

Báo cáo đã cập nhật bối cảnh hiện nay, khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư quay lại Việt Nam với tốc độ siêu lây nhiễm, số ca nhiễm theo ngày liên tục lập kỷ lục riêng ngày 18/7 có gần 6.000 ca trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại ngày 20/7, cả nước ghi nhận 56.530 ca, 299 ca tử vong, riêng TP.HCM gần 36.000 ca nhiễm.

Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sớm được áp dụng tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngày 17/07, Thủ tướng ký quyết định số 969/TTg-KGVX với biện pháp mạnh hơn nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Theo đó, 16 tỉnh thành phố ở phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ ngày 19/07.

NIỀM TIN NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT GIẢM XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG VÒNG 25 NĂM

Đánh giá về làn sóng dịch bệnh thứ 4, VDSC cho rằng rất khó để định lượng chính xác thiệt hại kinh tế gây ra bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất, nhưng đợt dịch lần này sẽ tác động rất tiêu cực đến hoạt động kinh tế Việt Nam trong nửa sau của năm 2021.

Các biện pháp giãn cách xã hội đang cho thấy tác động rõ rệt lên hoạt động của nền kinh tế, thể hiện qua chỉ số đi lại Google đã giảm rất sâu kể từ mức cao của tháng 4. Tiêu dùng và đầu tư sẽ đối diện với áp lực do các biện pháp chống dịch, đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực kinh tế phi chính thức, nhóm dễ tổn thương của xã hội, dịch bệnh sẽ khiến cho tiết kiệm, tiêu dùng của cả nền kinh tế suy giảm và kéo theo thất nghiệp gia tăng.

Theo khảo sát mới đây của Infocus Mekong Research, niềm tin tiêu dùng của người Việt trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm về mức 24 điểm, thấp hơn cả mức 27 điểm trong đợt bùng phát lần đầu tiên. Thêm vào đó, sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển và cung ứng hàng hóa cũng đẩy giá cả lương thực và thực phẩm gia tăng, kéo theo sự sụt giảm sức mua của người tiêu dùng.

Đợt bùng phát mới nhất cũng gia tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp do phải chịu chi phí tăng thêm để thực hiện các biện pháp vừa cách ly, vừa sản xuất hay phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng điều kiện về đảm bảo phòng chống dịch.

Theo các phương tiện truyền thông, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tại 17 khu công nghiệp và khu chế xuất tại TP.HCM đăng ký áp dụng mô hình vừa cách ly, vừa sản xuất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng phải giảm số lượng lao động và giảm sản lượng trong giai đoạn áp dụng mô hình này. Điểm quan trọng là TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, chiếm 22% GDP quốc gia, do đó, việc giãn cách xã hội kéo dài và sự không chắc chắn về thời điểm kết thúc dịch bệnh sẽ có tác động lan tỏa đến các tỉnh thành khác và tạo ra sự suy giảm trong hoạt động kinh tế của cả nước.

Nguồn: GSO.
Nguồn: GSO.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ XUỐNG MỨC 5,6%?

Mặc cho diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Chính phủ vẫn chưa thay đổi với hai kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, giả định dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 7/2021, không có dịch trong khu công nghiệp và các tỉnh thành trọng yếu và không còn giãn cách xã hội, GDP năm 2021 ước đạt 6,0%.

Ở kịch bản thứ hai, dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6/2021, không có dịch trong khu công nghiệp và các tỉnh thành trọng yếu và không còn giãn cách xã hội, GDP cả năm có thể đạt mức 6,5%.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng tại thời điểm này, cả hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 dường như đều không thực tế.

Các biện pháp kiểm soát dịch mới đây và sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế ở mức độ lớn hơn các đợt bùng phát dịch trước đây trong năm 2020, và điều này sẽ thể hiện rõ nhất trong tăng trưởng của quý 3/2021.

Dự phóng tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 của VDSC đã được điều chỉnh xuống 5,6% với rủi ro giảm thêm 50-60 điểm cơ bản nữa nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc lạm phát kỳ vọng tăng trở lại sẽ khiến cho chính sách tiền tệ kém linh hoạt. Trong khi đó, ở khía cạnh chính sách tài khóa, để hỗ trợ tăng trưởng thì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cần phải được thúc đẩy hơn nữa trong nửa cuối năm. Nửa đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt được 29% kế hoạch Chính phủ đặt ra.