17:31 16/08/2021

VDSC: VN-Index có thể đạt trên 1.500 điểm nhờ tăng trưởng EPS 20%

Thuỷ Tiên

VN-Index có thể đạt trên 1.500 điểm nhờ tăng trưởng EPS 20% và PE mục tiêu là 16,2 lần (PE trung bình ba năm), tuy nhiên việc tái khởi độngkinh doanh chậm hơn dự kiến có thể kéo tâm lý thị trường đi xuống...

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ra báo cáo triển vọng ngành nửa cuối năm 2021, trong đó có đề cập đến thị trường chứng khoán nói chung.

Cụ thể, VDSC cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất chưa thể tăng ngay do đợt Covid-19 thứ tư. Điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mới tham gia thị trường như một kênh đầu tư hấp dẫn.

Ngoài ra, VDSC kỳ vọng dòng tiền từ khối ngoại sẽ giữ được xung lực trong tháng 7 để hỗ trợ thị trường khi triển vọng thị trường vẫn còn hấp dẫn. 

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, hầu hết các ngành đều báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm chủ yếu dựa trên mức thấp của năm ngoái.

Đáng chú ý, các ngành thép, hóa chất có kết quả kinh doanh tăng vọt do giá nhiều loại hàng hóa liên quan tăng mạnh, nguyên nhân đến từ cầu phục hồi và trong khi chuỗi cung ứng bị giãn đoạn.

Mặt khác, các công ty chứng khoán đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc nhờ vào dòng tiền mới của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán.

Dó đó, với kỳ vọng việc tiêm chủng diện rộng tại Tp.HCM sẽ giúp hoạt động kinh doanh dần tái khởi động trong quý 4/2021 nên thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng EPS 20% trong năm 2021.

"Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường do sự phục hồi chậm hơn dự kiến trong năm 2021. Do đó, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.550 điểm", nhóm nghiên cứu dự báo.

Đối với triển vọng ngành, VDSC kỳ vọng bức tranh phục hồi trên quy mô toàn cầu, được thúc đẩy bởi việc tăng tốc triển khai vaccine, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn ngành và cổ phiếu.

Nhóm nghiên cứu tại đây lạc quan về triển vọng của các ngành hướng đến thị trường toàn cầu như logistics và hàng không. Đối với thị trường trong nước, ngành bất động sản, bán lẻ, F&B, công nghệ được cho sẽ là những ngành được hưởng lợi chính khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng dần trong thời gian tới. Ngoài ra, đà tăng giá kéo dài của một số loại hàng hóa có thể tiếp tục là trợ lực cho các ngành như thép, hóa chất.

Mặt khác, VDSC thận trọng về triển vọng lợi nhuận ngắn hạn của một số doanh nghiệp sản xuất, những doanh nghiệp sẽ chứng kiến chi phí hoạt động tăng đột biến trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian xảy ra đại dịch, như ngành dệt may và thủy sản. Dù vậy, những ngành này cũng sẽ có triển vọng sôi động hơn vào năm đầu năm 2022, do nhu cầu xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.

VDSC đánh giá xếp hạng ngành
VDSC đánh giá xếp hạng ngành

Hiện bảng xếp hạng định tính của VDSC dựa trên 6 tiêu chí của toàn ngành, cụ thể gồm triển vọng cung - cầu, môi trường pháp lý, tiềm năng tăng trưởng dài hạn, phát triển công nghệ và cạnh tranh, với xếp hạng từ 1 đến 5 và các trọng số tiêu chí khác nhau giữa các ngành.

Các ngành khả quan là những ngành VDSC tin rằng sẽ có cơ hội tăng trưởng và/hoặc triển vọng lợi nhuận lạc quan trong năm nay và năm tới. Các ngành trung lập được thúc đẩy bởi các yếu tố thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bên ngoài và/hoặc bên trong; VDSC cho rằng những ngành này sẽ thích hợp hơn cho các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro từ trung bình đến cao và khả năng theo dõi biến động thị trường. Đối với các lĩnh vực tiêu cực, cơ hội chỉ mở ra khi (các) vấn đề quan trọng được giải quyết.