Vì sao giá vàng trong nước chấp nhận “vênh” thế giới hơn 7 triệu đồng/lượng?
“Chênh lệch này phản ánh nhu cầu đang rất lớn so với nguồn cung”, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Đinh Nho Bảng
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng thời gian gần đây, và đã vượt mức 7 triệu đồng mỗi lượng vào ngày 18/2.
Cụ thể, giá vàng thế giới vào thời điểm sáng 18/2 nếu quy đổi theo giá USD bán ra niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank tương đương 49,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ trên thị trường dao động từ 56,7-56,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng thế giới quy đổi với giá vàng miếng bán lẻ là 7,2-7,3 triệu đồng/lượng.
VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), về vấn đề này.
Giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới trên 7 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới trước hết là sự phản ánh quan hệ cung-cầu. Nhu cầu vàng vật chất trong nước hiện đang lớn hơn nhiều so với nguồn cung, dẫn tới hệ quả là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế.
Về nhu cầu, bất chấp đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất vàng trang sức vẫn diễn ra mạnh, kéo theo nhu cầu vàng nguyên liệu ở mức cao. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch còn chưa được nối lại do cơ quan chức năng phải thực thi chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định thị trường vàng nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung, đặc biệt là thực hiện yêu cầu tiết kiệm nguồn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tỷ giá.
Ngoài ra, tập quán của người dân Việt Nam lâu nay là ưa thích tích trữ vàng vật chất. Các thị trường đầu tư khác trong điều kiện đại dịch hiện nay cũng gặp một số khó khăn, dẫn tới nhu cầu tích trữ của người dân vàng gia tăng.
Do yêu cầu giảm lãi suất tiền vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện đại dịch, lãi suất huy động tiết kiệm đương nhiên giảm, nên người dân có thêm lý do để mua vàng. Nhiều người đã thu được khoản lợi lớn khi mua vàng trên 30 triệu đồng/lượng mấy năm trước rồi bán ở mức giá trên 60 triệu đồng/lượng trong năm ngoái, dẫn tới nhu cầu mua vàng càng được kích thích.
Về nguồn cung, từ khi Nghị định 24/CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời vào năm 2012 đến nay, nguồn cung vàng chủ yếu dựa vào thị trường trong nước. Cơ quan chức năng không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp như thời kỳ trước đây. Thị trường vàng trong nước phải tự điều tiết cung-cầu, mà sự điều tiết này có khi "lệch pha" với ý muốn của doanh nghiệp cũng như của cơ quan quản lý. Vì vậy, quan hệ cung-cầu vàng trong nhiều thời điểm còn mất cân đối, dẫn tới chênh lệch, thậm chí chênh lệch lớn, giữa giá vàng trong nước với giá thế giới.
Mức chênh lệch hơn 7 triệu đồng/lượng vào ngày 18/2 phản ánh nhu cầu đang rất lớn so với nguồn cung. Theo phong tục của người Việt Nam, nhiều người mua vàng cầu may vào dịp ngày Vía thần Tài 10 tháng Giêng, dẫn tới nhu cầu vàng càng lớn hơn, thậm chí tăng đột biến so với bình thường.
Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới đặt ra thách thức gì, thưa ông?
Mức độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới chắc chắn nằm ngoài ý muốn của cơ quan quản lý cũng như người dân. Bởi lẽ, người dân không muốn phải mua vàng với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, và cơ quan quản lý cũng phải đối mặt với khó khăn trong công tác quản lý xuất nhập khẩu, đặc biệt là chính sách quản lý ngoại tệ và tỷ giá.
Chênh lệch giá vàng lớn là một lý do khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh, như giá USD tự do bán ra sáng 18/12 đã vượt 23.800 đồng, trong khi USD bán ra tại Vietcombank chỉ là 23.090 đồng.
Theo ông, đâu là giải pháp khắc phục chênh lệch lớn giữa giá trong nước với thế giới?
Về mặt chính sách quản lý thị trường vàng, VGTA đã trình cơ quan chức năng đề nghị ban hành mới nghị định thay thế Nghị định 24, vì nghị định này đã ra đời gần 1 thập niên trong khi hệ thống luật pháp trong 10 năm qua đã có nhiều thay đổi lớn. Nhiều điểm trong nghị định 24 không còn phù hợp với tình hiện nay và những văn bản luật pháp đã được thay đổi, cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp mạnh để điều hành thị trường vàng, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đáp ứng tính hội nhập của thị trường, như thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Các thị trường khác ở Việt Nam hiện nay đều có sàn giao dịch, như sàn giao dịch bất động sản, sàn việc làm, sàn chứng khoán… trong khi thị trường vàng lại chưa có sàn vàng.
Nếu sàn giao dịch vàng được thành lập và vận hành dưới quản lý, giám sát và điều tiết của của Ngân hàng Nhà nước, thì thị trường vàng trong nước và thế giới sẽ có sự liên thông. Ngoài ra, sàn vàng sẽ có các công cụ phái sinh, giúp nhà đầu tư hạn chế và kiểm soát được rủi ro. Nhà nước cũng nắm được luồng luân chuyển của vàng và dòng vốn tương ứng, đồng thời thu được thuế. Theo tôi, đây là giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tình trạng buôn lậu vàng, kiểm soát lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ để không xảy ra tình trạng khan hiếm vàng nguyên liệu.
Năm 2020, vàng đã mang lại mức lợi nhuận khá cao cho những nhà đầu tư nắm giữ vàng từ đầu năm đến cuối năm. Theo ông, năm 2021 mang lại cơ hội như thế nào cho việc đầu tư vàng?
Nếu NHNN trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 và cho phép thành giao dịch vàng quốc gia, thì các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có một sân chơi lớn. Đối với người dân, quan điểm của tôi là nên thận trọng, bởi vàng là lĩnh vực nhạy cảm, lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng cao.
Ông có dự báo như thế nào về giá vàng thời gian tới?
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang chịu áp lực giảm từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Ngoài ra, đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu cũng khiến sức hấp dẫn của vàng suy giảm. Những kế hoạch kích cầu khổng lồ, như kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ, vẫn là động lực quan trọng hỗ trợ giá vàng vì làm gia tăng kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, tôi cho rằng lạm phát toàn cầu nếu có tăng trong năm 2021 thì cũng chưa thể đủ mạnh để thúc giá vàng tăng mạnh.
Bởi vậy, giá vàng thế giới trong năm nay khó tăng cao như trong năm ngoái. Một số tổ chức lớn như Morgan Stanley gần đây có dự báo giá vàng sẽ về dưới 1.800 USD/oz vào cuối năm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!