01:01 19/04/2010

Vì sao Goldman Sachs bị kiện?

Mai Phương

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ bị cáo buộc có hành vi lừa dối các nhà đầu tư khiến họ thua lỗ hơn 1 tỷ USD

Kết cục tồi tệ nhất đối với Goldman Sachs là sự sứt mẻ hình ảnh - Ảnh: Getty.
Kết cục tồi tệ nhất đối với Goldman Sachs là sự sứt mẻ hình ảnh - Ảnh: Getty.
Cuối tuần qua, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch nước này (SEC) cáo buộc có hành vi lừa dối các nhà đầu tư về một loại chứng khoán nợ địa ốc dưới chuẩn. Đây được xem là “màn khai cuộc” cho trận chiến pháp lý giữa ngân hàng đầu tư quyền lực nhất ở Phố Wall với cơ quan giám sát thị trường chứng khoán hàng đầu nước Mỹ.

Theo cáo buộc của các nhà chức trách, Goldman đã phát hành loại chứng khoán CDO (collateralized debt obligations - nghĩa vụ nợ có đảm bảo) dựa trên một gói nợ mà họ dự báo là sẽ mất giá để bán cho các nhà đầu tư.

Đơn kiện của SEC cho rằng, Goldman đã cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin sai lệch và ém nhẹm một số sự thật về việc lựa chọn và chất lượng của gói nợ dưới chuẩn làm cơ sở phát hành số chứng khoán này. Và, các nhà đầu tư đã thua lỗ hơn 1 tỷ USD do hành động này của Goldman Sachs.

Theo các nhà chức trách, phó giám đốc một bộ phận kinh doanh của Goldman, Fabrice Tourre là người chịu trách nhiệm chính cho việc phát hành lượng chứng khoán nói trên.

Hãng tin Reuters nhận định, đơn kiện dân sự của SEC nhằm vào Goldman có thể được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng nhiều năm qua của ngân hàng này.

Trước đó, Goldman đã phải đương đầu với không ít lời chỉ trích gay gắt về lối trả thưởng hào phóng và sự nổi lên mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính nhờ tiền cứu trợ của Chính phủ, nhưng chưa khi nào thách thức đối với họ lại lớn như trong vụ việc mới nhất này.

Vụ kiện này càng đặt Giám đốc điều hành (CEO) Lloyd Blankfein của Goldman vào thế khó xử. Trước đó, vào hồi tháng 1 vừa qua, chính ông Blankfein đã thừa nhận trước Ủy ban Điều tra khủng hoảng tài chính của liên bang rằng, ngân hàng của ông dù có dự báo xấu cho một gói nợ nhưng vẫn dùng gói nợ đó để phát hành chứng khoán để bán cho khách hàng vì khách hàng có nhu cầu.

Động thái phát đơn kiện Goldman của SEC ngày 16/4 đã đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm 12,8%, đóng cửa ở mức 160,7 USD/cổ phiếu. Sự trượt giá này đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của Goldman “bốc hơi” hơn 12 tỷ USD.

“Những cáo buộc của SEC nhằm vào Goldman có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì người ta có thể hình dung. Vụ kiện có thể khiến người ta tin rằng Goldman đã phối hợp với những lực lượng bán khống hàng đầu trong ngành tài chính để xây dựng một danh mục đầu tư mà họ biết chắc là sẽ đi tới kết cục rớt giá thảm hại”, giáo sư bộ môn luật chứng khoán John Coffee thuộc trường luật Columbia ở New York nhận định trên Reuters.

Theo giáo sư này, kết cục tồi tệ nhất mà Goldman phải đối mặt trong vụ này không phải là những thiệt hại về tài chính, vì Goldman là một ngân hàng lớn và thuộc hàng siêu giàu, mà là sự sứt mẻ hình ảnh. Ngoài ra, vụ kiện dân sự này cũng có thể trở thành một vụ kiện hình sự.

Reuters bình luận, vụ kiện là một “cơn ác mộng” cả trên phương diện pháp lý và quan hệ công chúng (PR) đối với ông Blankfein. Suốt 18 tháng trở lại đây, vị CEO này đã liên tục phải trần tình trước sự chỉ trích của dư luận cho rằng Goldman đã hưởng lợi quá nhiều từ chương trình giải cứu tài chính của Washington.

Một số luật sư đại diện cho các nhà đầu tư cho biết, khách hàng đã liên lạc với họ để xem xét khả năng phát đơn kiện Goldman đã gây ra thua lỗ cho họ. “Cáo buộc của SEC sẽ mở đầu cho việc khám phá những gì ở phía sau bức màn”, luật sư Jacob Zamansky nhận định về khả năng những hành vi mờ ám khác của Goldman có khả năng bị phanh phui từ thời điểm này.

Về phần mình, Goldman lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của SEC. “Các cáo buộc của SEC nhằm vào chúng tôi là hoàn toàn vô căn cứ cả trên phương diện pháp luật và thực tế. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối cáo buộc của SEC và tự vệ đến cùng để bảo vệ uy tín của mình”, Goldman tuyên bố.

Theo Reuters, đơn kiện của SEC còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của ngành tài chính Mỹ tìm cách cản trở dự luật “đại cải tổ” hoạt động giám sát ngành này mà các nhà làm luật Mỹ đang cân nhắc.

Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét để tiến tới thông qua một dự luật cải cách ngành tài chính do Đảng Dân chủ đề xuất. Dự luật được Tổng thống Barack Obama ủng hộ mạnh mẽ này đề ra hàng loạt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các ngân hàng lớn và có khả năng sẽ hạn chế cơ hội kiếm lời của các định chế này.