11:06 23/06/2015

Vì sao không quy định dân phúc quyết Hiến pháp?

Nguyên Vũ

Chiều nay (23/6) Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Kết quả thảo luận ở tổ ghi nhận không ít ý kiến khác nhau về dự án Luật Trưng cầu ý dân.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Kết quả thảo luận ở tổ ghi nhận không ít ý kiến khác nhau về dự án Luật Trưng cầu ý dân.</span>
Chiều nay (23/6) Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân trong phiên họp toàn thể.

Trước đó, phiên thảo luận tổ  ngày 3/6 đã ghi nhận không ít băn khoăn của các vị đại biểu về dự thảo luật này.

Nhận xét chung, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật chưa đáp ứng được mong muốn của dân, quy trình trưng cầu ý dân còn nặng nề như quy trình tổ chức bầu cử, rất khó thực hiện, nhiều quy định chưa bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp.

Theo phản ánh của đoàn thư ký kỳ họp, có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần có một chương về phúc quyết Hiến pháp để giải quyết một cách trọn vẹn vấn đề Quốc hội làm Hiến pháp.

Ý kiến này cho rằng cần đưa ra dân phúc quyết toàn bộ Hiến pháp, không nên trưng cầu từng điều khoản của Hiến pháp mà phúc quyết toàn bộ. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định.

Có vị đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân về Hiến pháp, tổng hợp của đoàn thư ký cho biết.

Báo cáo dự kiến giải trình tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu thảo luận ở tổ đã thể hiện quan điểm của Ban soạn thảo về ý kiến nêu trên.

Dẫn quy định tại khoản 4 điều 120 của Hiến pháp: “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”, Ban soạn thảo lý giải, Hiến pháp không quy định về việc phúc quyết Hiến pháp. Quy định này được hiểu là trưng cầu ý dân về một hoặc một số vấn đề về hiến pháp hoặc về toàn văn Hiến pháp và việc này do Quốc hội quyết định, do vậy không nên có quy định riêng về phúc quyết Hiến pháp, Ban soạn thảo thể hiện quan điểm.

Bên cạnh nội dung trên, kết quả thảo luận ở tổ cho thấy còn ý kiến rất khác nhau về những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Đa số ý kiến cho rằng, những nội dung đề nghị trưng cầu ý dân còn chung chung, chưa có tiêu chí xác định cụ thể, khó khả thi. Một số vị đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí xác định “những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội” là những vấn đề nào.

Đại biểu Quốc hội còn đề nghị sửa lại theo hướng quy định những vấn đề trưng cầu ý dân bao gồm: những vấn đề sửa đổi Hiến pháp (sửa căn bản và quy định mới); quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng có liên quan đến nhân dân cả nước; quyết định tham gia vào các tổ chức quốc tế, liên minh quân sự, các điều ước quốc tế liên quan đến nhân quyền; những vấn đề liên quan đến nhân dân cả nước; những vấn đề hệ trọng của quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, những vấn đề quan trọng khác mà Quốc hội thấy cần thiết như tăng thuế, kết hôn đồng giới, vấn đề lãnh thổ…

Theo Ban soạn thảo, Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội quy định vấn đề trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định. Tùy theo điều kiện, hoản cảnh và đề nghị cụ thể của các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Quốc hội sẽ xem xét, quyết đinh có trưng cầu ý dân hay không.

Tham khảo kinh nghiệm các nước thì có 65 nước không quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề nào, một số nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc với Hiến pháp…

Quan điểm của Ban soạn thảo là nếu quy định cụ thể sẽ không bao quát hết các vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trung cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Do đó, dự thảo chỉ quy định những khái quát những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân.