Vì sao Ngân hàng Nhà nước không tăng chỉ tiêu tín dụng?
Tín dụng đang trong giai đoạn tăng từ hai chiều chứ không phải "siết lại"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa ban hành Chỉ thị số 04 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, với định hướng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, chỉ thị nêu rõ: "Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)".
Và như định hướng những năm qua, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Trao đổi với VnEconomy về định hướng trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, không phải đến lúc này mới đặt ra yêu cầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp.
Theo đó, những tổ chức tín dụng có tình hình tài chính tốt, đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được giao chỉ tiêu cao hơn, và ngược lại ở những tổ chức tín dụng có các điều kiện hạn chế hơn.
Ở định hướng chung, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng, hai ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Trong đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát gắn trực tiếp hơn với tăng trưởng tín dụng. Việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng hiện nay còn nhằm chủ động hơn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trong tương lai.
Tại Việt Nam, nhiều năm qua duy trì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng ở mức cao (thường chiếm từ 110-120% GDP). Đây là mức độ mà nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo trong thời gian qua, tiềm ẩn rủi ro đối với lạm phát và ổn định vĩ mô.
Kiểm soát chặt chẽ, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định các nhu cầu tín dụng hợp lý, đảm bảo các điều kiện cho vay, đang và sẽ tiếp tục được đáp ứng tốt.
Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng có vai trò chính là phục vụ các nhu cầu vốn ngắn hạn, cho vay vốn lưu động; còn nguồn trung dài hạn, cũng như về mặt khối lượng, cần phát triển bền vững thị trường chứng khoán để các doanh nghiệp chủ động hơn trong tiếp cận và huy động vốn.
Như trên, để có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thuận lợi hơn, mỗi tổ chức tín dụng phải nâng cao hơn nữa năng lực tài chính của mình. Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nêu quan điểm, bên cạnh chỉ tiêu được giao, tổ chức tín dụng muốn cho vay nhiều hơn thì chính họ phải đẩy mạnh xử lý được nợ xấu nhiều hơn, tạo được nguồn tái tạo cũng như tự tạo được dư địa cho mình.
Nhìn theo hướng đó, những năm gần đây thực tế tín dụng đang tăng trưởng ở hai chiều. Một mặt, tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng thông thường. Mặt khác, gắn với lượng lớn nợ xấu từng bước được xử lý, mẫu số tín dụng đã mở rộng thực chất hơn thay vì khê đọng lớn trong nợ xấu như trước đây.
Cập nhật mới nhất, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 chiều ngày 8/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm từ 10,08% đầu năm 2016 xuống còn 6,9% đến tháng 6/2018; nợ xấu nội bảng chỉ còn hơn 2%.
Sau giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng và bộc lộ nhiều rủi ro, từ năm 2012 Ngân hàng Nhà nước "siết lại" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm để chủ động kiểm soát. Từ đó đến nay, hàng năm cơ quan này xem xét tình hình tài chính và hoạt động của mỗi thành viên, giao từng chỉ tiêu cụ thể để phù hợp hơn với thực tế.
Ở tình hình chung, với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã giám sát chặt chẽ hơn, dù tín dụng tăng trưởng đều qua các tháng nhưng đã có dấu hiệu chậm lại.
Ước tính đến cuối tháng 7/2018, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hơn 7%, trong khi cùng kỳ 2017 cao hơn với khoảng 9%. Với mức độ đã thực hiện này, dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng cuối 2018 là không nhỏ.
Về phía các ngân hàng thương mại, những năm gần đây hướng dịch chuyển chiến lược cũng đang định hình rõ nét: thay vì đẩy nhanh và dựa nhiều vào tín dụng truyền thống như trước, cơ cấu thu của nhiều thành viên đã mở rộng và nâng cao hơn tỷ trọng thu từ dịch vụ.