10:32 26/03/2024

Vì sao người lao động thất nghiệp rất ít khi chọn học nghề?

Nhật Dương

Ngoài được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động khi mất việc làm, hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế số người lựa chọn học nghề chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có xu hướng giảm…

Nhiều lao động lựa chọn nhận trợ cấp thất nghiệp để có khoản chi phí trang trải cuộc sống trước mắt. Ảnh: Nhật Dương.
Nhiều lao động lựa chọn nhận trợ cấp thất nghiệp để có khoản chi phí trang trải cuộc sống trước mắt. Ảnh: Nhật Dương.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

SỐ LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP CHỌN HỌC NGHỀ RẤT THẤP

Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ như: Trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong đó, về học nghề, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Với khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Học nghề là một trong những giải pháp quan trọng để người lao động bị mất việc làm sớm trở lại thị trường lao động, song thực tế số người thất nghiệp lựa chọn học nghề rất thấp.

Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, cả nước có hơn 1,1 triệu người đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng chiếm đến hơn 1,06 triệu người, tăng 9,5%. Như vậy, số tham gia học nghề là không đáng kể.

Tại Hà Nội, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 3 năm qua, việc giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn cũng đang có xu hướng tăng dần về số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, nếu như năm 2021, thành phố giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 63.000 người, đến năm 2022 tăng lên hơn 72.000 người, và năm 2023 lên đến hơn 85.000 người.

Số người lao động nộp hồ sơ đề nghị và hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng lên, nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới lại có xu hướng giảm, đặc biệt năm 2023 giảm rất sâu.

Từ phía đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin, số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng qua từng năm nhưng số có quyết định học nghề chiếm rất thấp, thậm chí giảm. Điều này thể hiện qua các con số cụ thể.

Chẳng hạn, năm 2021 có 63.363 người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ có hơn 1.000 người có quyết định học nghề; năm 2022 tăng lên 71.717 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 1.590 người có quyết định học nghề. Đến năm 2023, số người hưởng trợ cấp tăng lên 84.984 người, nhưng chỉ có 778 người có quyết định tham gia học nghề.

Đây là số có quyết định học nghề, còn thực tế số tham gia học còn thấp hơn, trong các năm 2021, 2022, và 2023 lần lượt là 558 người, 1.117 người, và 487 người.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp về hỗ trợ đào tạo nghề có xu hướng giảm, do người lao động không mặn mà, hoặc mức kinh phí đào tạo còn thấp nên không khuyến khích được người lao động tham gia.

BỔ SUNG THÊM CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỂ THU HÚT LAO ĐỘNG HỌC NGHỀ

Với đơn vị triển khai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cũng nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến số người lao động lựa chọn học nghề ngày càng giảm. Trước hết khi người lao động bị mất việc làm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, nên họ sẽ cần có một khoản tiền bù đắp thiếu hụt về tài chính.

Lao động chờ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.
Lao động chờ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.

Bên cạnh đó, nhu cầu học nghề của người lao động cũng khá đa dạng, không tập trung cùng thời điểm, cùng địa điểm, khiến việc tổ chức lớp học dành cho nhóm lao động đặc thù này gặp khó khăn.

Ngoài ra, mức hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, hay đầu ra cho một số ngành nghề còn hạn chế nên khó thu hút người lao động tham gia.

Để khuyến khích người lao động tham gia học nghề, bà Liễu cho hay, đơn vị này cũng đang phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để mở các lớp dạy nghề phù hợp với mong muốn của người học, cũng như nhu cầu của thị tường lao động; bảo đảm đa số họ có việc làm sau khi kết thúc khóa đào tạo.

Về vấn đề này, khi xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, đặc biệt còn nặng về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.

Mặt khác, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề, như chi phí ăn ở, đi lại, …, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, cơ quan này cũng đang đề xuất khi sửa Luật tới đây sẽ bổ sung thêm các nội dung hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân trên 6% mỗi năm. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.