08:41 22/06/2023

Vì sao người Pháp ghét toà nhà cao nhất Paris?

Nguyễn Tuyên

Tháp Montparnasse bị nhiều người dân Paris chỉ trích là đã làm hỏng đường chân trời của “kinh đô ánh sáng”. Đây là tòa nhà chọc trời duy nhất ở Paris, với chiều cao 210m…

Tháp Montparnasse là tòa nhà chọc trời duy nhất ở Paris.
Tháp Montparnasse là tòa nhà chọc trời duy nhất ở Paris.

Người ta nói rằng ở Paris, đỉnh tháp Montparnasse là nơi có tầm nhìn đẹp nhất. Không phải vì từ đây có thể quan sát được tháp Eiffel hay vương cung thánh đường Sacre-Coeur, mà đây chính là nơi duy nhất không nhìn thấy chính tòa nhà chọc trời này.

Theo hãng tin CNN, kể từ khi tòa tháp cao 59 tầng bằng kính màu chocolate được khánh thành vào năm 1973, nó bị nhiều người dân Paris chỉ trích là đã làm hỏng đường chân trời của “kinh đô ánh sáng”. Đây là tòa nhà chọc trời duy nhất ở Paris, cao 210m.

NGƯỜI PHÁP COI THÁP MONTPARNASSE LÀ LẠC LÕNG

Sự tức giận ban đầu đối với tòa nhà - được thiết kế bởi các kiến trúc sư Jean Saubot, Eugène Beaudouin, Urbain Cassan và Louis de Hoÿm de Marien - không có gì đáng ngạc nhiên. Trong lịch sử, người dân Paris gần như phản đối theo phản xạ với những thay đổi lớn trong diện mạo thành phố của họ. Tháp Eiffel, được hoàn thành vào năm 1889, lúc đầu cũng bị chế giễu khi một số người gọi nó là “đèn đường thảm hại”. Trong khi đó, đối với kim tự tháp bằng kính nổi tiếng của kiến trúc sư I.M. Pei, được lắp đặt bên ngoài Bảo tàng Louvre vào giữa những năm 1980, nhiều người lại cho rằng công trình có phong cách quá cấp tiến.

Mặc dù người dân Paris cuối cùng cũng ghi nhận những công trình mang tính biểu tượng này, nhưng họ vẫn chỉ trích tháp Montparnasse dù toà tháp đã ở đó 50 năm.

Để hiểu tại sao nhiều người dân Paris coi tháp Montparnasse là lạc lõng, phải xem xét lý do thành phố có hình dạng như ngày nay.

Quy hoạch và phong cách kiến trúc của thành phố Paris chủ yếu hình thành từ giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, thành phố được coi là quá đông đúc, ẩm ướt và nhiều bệnh tật. Nhằm tìm cách biến Paris thành một biểu tượng về sự hùng vĩ của nước Pháp, Napoléon III - Tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa Pháp - đã chọn Nam tước Georges-Eugene Haussmann, khi đó là tỉnh trưởng Seine, để giao nhiệm vụ biến thủ đô thành một thành phố châu Âu hiện đại, sôi động.

Haussmann đã san bằng nhiều con phố thời Trung cổ chật chội và các tòa nhà đổ nát của Paris để nhường chỗ cho những đại lộ rộng rãi, quảng trường công cộng, công viên xanh tươi và hệ thống thoát nước mới, tất cả đều giúp hồi sinh và làm sạch thành phố.

Phần dễ thấy nhất trong di sản của Haussmann là phong cách kiến trúc mang tên ông: các tòa nhà chung cư kiểu Haussmannian, với cấu trúc 6 tầng có mặt tiền bằng đá phổ biến khắp Paris và tạo cho thành phố nét thẩm mỹ đồng nhất, khác biệt.

Khoảng một thế kỷ sau, Paris phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác. Mặc dù bản thân thủ đô vẫn còn nguyên vẹn, nhưng Chiến tranh Thế giới thứ II đã khiến phần lớn nước Pháp bị tàn phá. Việc tái thiết đồng nghĩa với cơ hội hiện đại hóa đất nước một lần nữa, lần này bằng cách bổ sung thêm các đường cao tốc trên toàn quốc và các tòa nhà chọc trời mới - như đã được thực hiện ở Mỹ và Anh.

“Trên đống đổ nát của thảm họa chiến tranh, họ muốn xây dựng một thứ gì đó hoàn toàn mới cho một thế hệ mới”, Giáo sư Virginie Picon-Lefebvre tại Trường kiến trúc Ecole Nationale Superieure d'Architecture Paris-Belleville cho biết.

Khu phố Montparnasse ở phía Nam Paris là một trong những địa điểm đầu tiên được lựa chọn cho dự án đổi mới đô thị quy mô lớn của thành phố trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau Thế chiến thứ II.

Khu vực này đã trải qua một số biến đổi. Vào những năm 1920, đây là tụ điểm của phong cách Bohemian dành cho các nhà văn và nghệ sĩ như Salvador Dali và Ernest Hemingway. Nhưng đến những năm 1950, nó đã trở thành một khu vực tồi tàn với những con hẻm nhỏ và nhà ga xe lửa quá đông đúc.

Các kế hoạch xây dựng tòa tháp đã được vạch ra và động lực tăng lên sau khi Tổng thống Charles de Gaulle quay trở lại nắm quyền năm 1958. Mục tiêu là xây dựng một khu phố hiện đại phục vụ cho thế hệ doanh nhân mới, với các văn phòng; tòa nhà chung cư mới, nhà ga xe lửa được cải tạo, đường cao tốc đến sân bay mới được xây dựng ở phía Nam Paris - và Tháp Montparnasse.

Giáo sư Picon-Lefebvre giải thích: Lúc đầu, có nhiều kỳ vọng về triển vọng hiện đại hóa Paris, đặc biệt là trong giới kiến trúc sư, kỹ sư và nhà phát triển. Nhiều tòa nhà cao tầng và khu kinh doanh ở phía Tây Paris có tên La Defense đã được lên kế hoạch xây dựng.

Nhưng dư luận nhanh chóng quay lưng lại với tòa tháp Montparnasse, với việc người dân địa phương chỉ trích chiều cao của nó trong một khu phố toàn các tòa nhà thấp hơn. Nhiều cư dân phàn nàn rằng tòa nhà chọc trời này - cao nhất châu Âu sau khi hoàn thành vào năm 1973 - không phù hợp với một thành phố mà hầu hết các tòa nhà chỉ cao 6 tầng.

Bất chấp những lo ngại này, dự án vẫn tiếp tục. Tổng thống Georges Pompidou đã phê chuẩn việc phát triển tháp Montparnasse vào năm 1969, và một năm sau việc khởi công đã được tiến hành.

“Thật kinh khủng”, một người qua đường nói về tháp Montparnasse trong bộ phim tài liệu được chiếu gần đây trên truyền hình Pháp. Tuy nhiên, một số cư dân lại cho rằng tòa tháp hiện đại và là dấu hiệu của sự tiến bộ. Tòa nhà cũng được nhiều chính khách nổi tiếng lựa chọn như các cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand và Jacques Chirac. Những nhân vật này đều từng lập văn phòng chiến dịch vận động tranh cử ở tháp Montparnasse.

Giáo sư Picon-Lefebvre giải thích rằng, mặc dù Tháp Montparnasse không được ưa chuộng nhưng nó vẫn có các văn phòng được trang bị tốt, tầm nhìn tuyệt đẹp ra Paris và dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng. “Thật thoải mái khi làm việc ở đó”, bà nói.

TƯƠNG LAI CỦA NHỮNG TÒA NHÀ CHỌC TRỜI Ở PARIS

Như đã nói ở tren, không giống như với tháp Eiffel, công chúng không mặn mà với tháp Montparnasse. Do sự phản đối kịch liệt của công chúng, vào năm 1977, Hội đồng thành phố Paris đã cấm xây dựng các tòa nhà cao hơn 37m. Đến năm 2010, chính quyền thành phố Paris nới lỏng các quy định về chiều cao và cho phép xây dựng các tòa tháp văn phòng ở ngoại vi thành phố, nhưng vẫn nằm trong ranh giới của thủ đô.

Quyết định đó đã khơi lại cuộc tranh luận công khai. Các nhà phê bình coi tháp Montparnasse như một câu chuyện cảnh báo, vì nhiều người dân Paris vẫn coi tòa nhà chọc trời 50 tuổi này là chướng mắt.

Một ứng viên trong cuộc bầu cử Thị trưởng Paris năm 2014, khi đi vận động tranh cử, thậm chí còn để ngỏ khả năng phá hủy tòa tháp, gọi đó là “thảm họa đô thị”. Tuy nhiên, ứng viên này đã thất cử. Người giành chiến thắng, thị trưởng đương nhiệm Anne Hidalgo, gọi đề xuất này là “vô nghĩa”.

Sau quá trình đấu thầu kéo dài, vào năm 2015, chính quyền thành phố Paris đã phê duyệt việc xây dựng tòa nhà chọc trời thứ hai, tháp Triangle cao 180m ở quận 15 phía Tây Nam thành phố.

Mặc dù thị trưởng Hidalgo ban đầu ủng hộ tháp Triangle, nhưng chính quyền của bà một lần nữa thắt chặt quy định đối với các tòa nhà chọc trời trong tương lai ở thủ đô. Giới hạn chiều cao 37m đối với các tòa nhà đã được khôi phục cách đây không lâu, như một phần của kế hoạch chống biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon trong thành phố.

Tháp Triangle dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2026. Nhưng liệu toà tháp này có bị chỉ trích như tháp Montparnasse hay không thì cần phải chờ thời gian trả lời.