08:16 11/03/2009

Việt kiều sở hữu nhà tại Việt Nam: Không nên “mở” trước, “thắt” sau

Minh Thúy

Các vị đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều băn khoăn về quy định số lượng nhà Việt kiều được sở hữu tại Việt Nam

Nhà chung cư tại quận 7, Tp.HCM - Ảnh: Mộng Bình.
Nhà chung cư tại quận 7, Tp.HCM - Ảnh: Mộng Bình.
Mặc dù đã qua nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng mở rộng đối tượng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, song “mở” đến đâu, “ thắt” thế nào vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi xung quanh dự án luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở.

“Mở” đến mức nào?

So với quy định hiện hành, dự thảo luật mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối tượng được sở hữu nhiều nhà ở cũng tăng lên.

Theo đó, người được quyền sở hữu nhà ở như công dân trong nước (tức là không hạn chế số lượng) là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc 5 diện: về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học mà Việt Nam có nhu cầu; người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người kết hôn với công dân ở trong nước.

Tại cuộc họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin: nếu theo quy định của dự thảo thì sẽ có khoảng 2 triệu trong số hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có thể sở hữu nhiều nhà ở như người trong nước.

Tuy nhiên, nếu “khuôn” lại đối tượng là những người được cấp hộ chiếu thì sẽ giảm xuống khoảng 750 ngàn người, ông Nam nói.

Giải trình này chưa làm các vị đại biểu Quốc hội yên tâm.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Ngô Quang Xuân, thì việc xin hộ chiếu rất dễ, nhất là khi gần đây quy định đã thông thoáng hơn. Vậy nên việc sở hữu nhà phải có sự phân biệt, nhưng phân biệt công bằng, có “khóa” nhưng mà “lỏng”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, phạm vi sửa đổi của luật như vậy hơi quá rộng so với điều kiện thực tế của nước ta. Việc quy định phải có hộ chiếu cũng không chặt chẽ, không hợp lý, vì hộ chiếu có thời hạn. Nhiều nước trên thế giới cũng có hạn chế về số lượng nhà được sở hữu chứ không phải nước nào cũng sở hữu thoải mái.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát biểu: mục đích sửa luật để làm gì? Nếu là để tập hợp kiều bào tham gia đóng góp xây dựng đất nước thì mỗi người chỉ cần sở hữu một nhà là đủ. Không nên “mở” trước “thắt” sau, ông Thuyết góp ý.

Không sợ dài, chỉ sợ không minh bạch

Tuy chỉ đặt vấn đề sửa một điều của Luật Nhà ở, song hầu hết ý kiến thảo luận cho rằng dự thảo luật hơi “ tiết kiệm” câu chữ nên còn nhiều điều chưa rõ ràng, chưa minh bạch, gây nên những băn khoăn, thắc mắc.
 
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: luật quy định người gốc Việt Nam cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam, vậy một lần ở liền ba tháng hay tổng cộng nhiều lần đủ ba tháng?

Hay “người có kỹ năng đặc biệt” là thế nào?

Hay người gốc Việt Nam kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước có quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, thế kết hôn xong sang Mỹ ở thì có được mua nhà không?

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhắc nhở: đừng sợ luật dài, nếu sửa điều 126 mà không chứa đựng nổi hết các vấn đề thì có thể thêm điều 126a; đừng tiết kiệm từ, luật càng rành mạch càng tốt.

Cái gì đưa được vào trong luật thì đưa đến mức tối đa, nghị định chỉ hướng dẫn cái gì luật bảo hướng dẫn thôi, Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/9/2009 thay vì 1/7/2009 như đề nghị.