23:48 15/07/2019

“Việt Nam bình tĩnh ứng phó bất lợi từ kinh tế thế giới hơn so với năm 2008-2009”

Bạch Huệ

So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới

Việt Nam bình tĩnh hơn trong đối phó với các bất lợi từ kinh tế thế giới.
Việt Nam bình tĩnh hơn trong đối phó với các bất lợi từ kinh tế thế giới.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) vừa đưa ra những nhận định về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2019.

Phải điều hành chính sách tiền tệ thận trọng

GDP đạt 6,71% trong quý 2, giảm so với quý 1 (6,82%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017. Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8-7,0%).

"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố- đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài", Aus4Reform đánh giá. 

CPI bình quân tăng 2,65% và 2,64% trong quý 2 và 6 tháng đầu năm, chủ yếu do  tăng chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm; điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước và tác động của điều chỉnh giá biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; tác động của tăng giá điện từ cuối tháng 3 được phản ánh vào CPI quý 2.

Lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018, do đó Aus4Reform cho rằng Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Trong quý 2, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tính đến thời điểm cuối quý 2, tín dụng tăng 4,07% so với cuối quý 1 và 7,33% so với cuối năm 2018. Khả năng nới chỉ tiêu tín dụng cả năm 2019 là khá thấp, do: tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã ở mức cao; Ngân hàng Nhà nước cần tạo áp lực đủ tin cậy cho các ngân hàng thương mại củng cố an toàn vốn, và việc nới chỉ tiêu tín dụng có thể khiến cơ chế thưởng tín dụng hiện nay mất ý nghĩa; Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy hiệu quả (đối với tăng trưởng kinh tế) từ cải thiện chất lượng tín dụng.

Động thái tăng tỷ giá trung tâm - ngay cả khi thị trường ngoại hối tương đối ổn định - có thể là do Ngân hàng Nhà nước muốn tạo thêm dư địa cho tỷ giá biến động trong bối cảnh thị trường có những yếu tố khá bất định như leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, khả năng Fed hạ lãi suất,…", Aus4Reform phân tích.

Tăng trưởng 2019 có thể đạt 6,82%

Aus4Reform dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,82%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.

Về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Aus4Reform nhận định căng thẳng này đã và đang diễn ra hết sức khó lường. Những diễn biến, động thái liên quan của cả hai bên đều có những tác động cả trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế thế giới. Có nhiều kịch bản, diễn biến bất định mà cuộc chiến tranh thương mại này có thể xảy ra trong tương lai, kéo theo các phản ứng khác nhau của các quốc gia khác.

Là một nền kinh tế nhỏ, và mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động gây ra từ cuộc chiến này, việc lựa chọn chính sách để ứng phó là cần thiết.

 Báo cáo nhận định nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước cũng bộc lộ không ít điểm sáng, qua đó đóng góp vào những kết quả ít nhiều tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vị thế quốc gia ít nhiều được cải thiện, song Việt Nam vẫn giữ được cái nhìn nghiêm túc về thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ, các Bộ, ngành đã thường xuyên theo dõi, đánh giá và dự báo tình hình thế giới và trong nước, qua đó cập nhật và hoàn thiện các kịch bản điều hành trong nước. Diễn biến dòng vốn nước ngoài tiếp tục được theo dõi và thảo luận ở nhiều cấp, nhưng chưa kéo theo chính sách hạn chế có tính chất phân biệt đối tác.

"So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới", báo cáo của Aus4Reform cho biết.

Từ đó, Aus4Reform nhận định diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới được đề cập nhiều hơn, dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm 2019; Căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt.

"Dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ. Hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ không chỉ ở thị trường Mỹ…", Aus4Reform cảnh báo.