16:38 15/09/2023

Việt Nam hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn

Phạm Vinh

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM sáng 15/9.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM sáng 15/9.

Tại Diễn đàn “Tăng trưởng xanh-Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, ngày 15/9 tại TP.HCM, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, cho biết Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm nay đã chọn chủ đề về tăng trưởng xanh. Chủ đề vừa có ý nghĩa trong ngắn hạn khi cần tạo ra các không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế xã hội đối mặt với nhiều khó khăn; đồng thời, vừa có ý nghĩa dài hạn, phù hợp với chủ trương, định hướng chiến lược phát triển của đất nước đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đón đầu xu thế mới để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”.

Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trên cơ sở các chủ trương chung này, ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định: Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về chủ trương, định hướng chiến lược, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”

TIN TƯỞNG TP.HCM LÀ HÌNH MẪU TRONG TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH

TP.HCM là đô thị đặc biệt, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đóng góp ngân sách quốc gia lớn, có năng suất lao động cao nhất. Ngoài ra, là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn và là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất cả nước. TP.HCM được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm ban hành nghị quyết riêng để phát triển Thành phố. Triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98, Chính phủ ban hành Nghị quyết 87 để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Tại Diễn đàn HEF 2023, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất 5 vấn đề đối với Thành phố

Thứ nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM triển khai thành công định hướng chiến lược về tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải bằng 0, các bộ ngành cần sớm thể chế hóa thành cơ chế, chính sách và pháp luật chung. Hiện nay, quá trình thể chế hóa nhiều định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vẫn còn khá chậm. Với chức năng, nhiệm vụ của mình trong phối hợp các cơ quan thí điểm các mô hình mới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ đồng hành cùng TP.HCM xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù.

Thứ hai, việc triển khai phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà cần bài bản, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Thành phố phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới từ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện nay, đây là vấn đề còn mới, đòi hỏi phải đồng bộ từ các vấn đề liên quan quy hoạch, lựa chọn chuyển dịch nội các ngành, bố trí nguồn lực, xây dựng ý thức của người dân, doanh nghiệp…

Thứ ba, trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, TP.HCM cần tiên phong trong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. Cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp của TP.HCM sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thành phố cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh; và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực. Trong đó các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM.

Thứ tư, Thành phố phải đi tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và đô thị hóa bền vững. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị tạo ra không gian sống trong lành cho người dân.

Thứ năm, chủ động khai thác và phát triển tài chính xanh. Hiện nay, tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh của cả nước mới đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%); vì vậy, trong lĩnh vực tài chính, Thành phố cũng phải đi tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh.

Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ tin tưởng rằng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thành phố theo hướng tăng trưởng xanh; là địa phương đi đầu, cũng như là hình mẫu trong triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của cả nước.