18:03 04/11/2019

Việt Nam mới là nước đang phát triển, sao lại giảm giờ làm như quốc gia đã phát triển?

KIỀU LINH

Vasep cho rằng chỉ quốc gia phát triển rồi mới làm việc 44 giờ một tuần, trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia phát triển nên duy trì 48 giờ làm một tuần là hợp lý

Lo vốn FDI chảy ngược sang Ấn Độ nếu Việt Nam giảm giờ làm.
Lo vốn FDI chảy ngược sang Ấn Độ nếu Việt Nam giảm giờ làm.

"Việt Nam sẽ giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do các doanh nghiệp FDI sẽ di chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn như Ấn Độ", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) bày tỏ lo ngại về Dự thảo Bộ Luật Lao động ngày 11/8/2019 trong đó đề xuất sửa đổi theo phương án 2, Điều 107 quy định thời giờ làm việc không quá 44 giờ trong 1 tuần.

Chỉ quốc gia phát triển rồi mới làm việc 44 giờ một tuần

Vasep cho rằng, việc quy định thời giờ làm việc trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần đều thuộc về các quốc gia phát triển. Còn tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần của các quốc gia đang phát triển và đang cạnh tranh lao động gay gắt với Việt Nam là các "đối thủ nặng ký" của Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,…đều là 48 giờ/ tuần.

Theo số liệu thống kê của ngân hàng thế giới về GDP (USD/người) và nghiên cứu về thời gian làm việc của 18 quốc gia gồm các nước tại Asean và một số nước thuộc khu vực Châu Á có điều kiện tương tự Việt như sau: Trong 18 nước nghiên cứu, có 6 nước qui định dưới 48 giờ; 1 nước trên 48 giờ là Hàn quốc với 52 giờ; 11 nước có giờ làm việc là 48 giờ.

Đa số các nước có GDP dưới 3.000 USD/người gồm 8 nước trong đó có Việt Nam đều đang quy định làm việc 48 giờ/tuần.

"Hiện nay, Việt Nam là một trong nhóm các quốc gia đang phát triển nên quy định 48 giờ/tuần là hoàn toàn phù hợp", Hiệp hội này khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Vasep, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp, trong khi chi phí làm thêm giờ lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, việc giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần trong khi đại đa số các nước vẫn duy trì thời giờ làm việc 48 giờ/tuần sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài khi cùng xuất khẩu một mặt hàng hoặc cùng bán hàng tại một thị trường.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam lấy ví dụ: Cùng xuất hàng vào thị trường EU, trong khi Thái Lan duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần, đẩy cao được sản lượng lao động trong 1 ngày làm việc và giữ giá xuất khẩu ở mức thấp. 

Việt Nam, giả định do việc phải duy trì thời gian làm việc 44 giờ/tuần nên để đáp ứng sản lượng hàng hóa và tiến độ giao hàng theo đơn đặt hàng sẽ phải tăng giờ làm thêm, cùng với đó là tăng lũy tiến tiền làm thêm sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm khi xuất khẩu. 

Điều này sẽ ảnh hưởng tới các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam vì người mua chắc chắn sẽ chọn các doanh nghiệp Thái Lan với giá hàng thấp hơn. 

Lo vốn FDI chảy sang Ấn Độ

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, năng suất lao động của người lao động Việt Nam đang thấp hơn so với năng suất lao động của người lao động Thái Lan. Thương hiệu quốc gia của Thái Lan về xuất khẩu một số mặt hàng đang được thị trường quốc tế đánh giá cao hơn Việt Nam.

Với thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/ tuần như hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. 

Do vậy, nếu thời gian làm việc tiêu chuẩn bị cắt giảm như dự kiến trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới mới thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp nội địa dần dần sẽ không còn đơn đặt hàng nào từ khách hàng dẫn tới phải đóng cửa, giải thể doanh nghiệp.

Việc giảm giờ làm việc trong bối cảnh Việt Nam hiện nay sẽ làm gia tăng gánh nặng khó khăn cho doanh nghiệp. Chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm sẽ tăng. Các doanh nghiệp nội địa không chịu được áp lực về chi phí sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, giải thể khiến người lao động mất việc làm, tình trạng thất nghiệp tràn lan, kéo theo hệ lụy vô cùng lớn cho toàn xã hội, nảy sinh tình trạng "nhàn cư vi bất thiện", nhiều tệ nạn xã hội gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Đồng thời, sức cạnh tranh về nguồn lực lao động của Việt Nam trên trường quốc tế cũng sẽ giảm đi đáng kể, từ đó Việt Nam sẽ giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do các doanh nghiệp FDI sẽ di chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn như Ấn Độ. Khối lượng công việc ở Việt Nam theo đó cũng sẽ giảm đi đáng kể, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, khó đảm bảo nhịp độ tăng trưởng GDP.

Mặt khác, việc giảm thời giờ làm việc làm việc xuống 44 giờ/tuần và nếu doanh nghiệp không có khả năng bố trí làm thêm giờ theo thỏa thuận với người lao động thì số lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ cung ứng ra thị trường tương ứng sẽ bị giảm theo, khi đó doanh thu của doanh nghiệp và chế độ lương, thưởng của người lao động cũng sẽ bị giảm theo, đặc biệt là những người lao động làm việc theo phương thức khoán sản phẩm thì tác động tiêu cực đến thu nhập của họ từ việc giảm giờ làm là rõ ràng và trực tiếp nhất. 

"Với hình thức trả lương sản phẩm, lương của người lao động phụ thuộc vào sản phẩm làm ra tính theo một đơn vị thời gian, thông thường là tính theo "ngày làm việc". Với việc các doanh nghiệp buộc phải kéo giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần  sẽ dẫn đến số lượng sản phẩm của người lao động giảm, lương và các thu nhập khác cũng sẽ giảm theo", Vasep quan ngại.