10:23 12/09/2007

Việt Nam nằm ở "mắt bão" WiMax

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một trong những tâm điểm của "cơn sốt" WiMax dấy lên trong 1-2 năm tới

Dịch vụ WiMAx thử nghiệm của Viettel.
Dịch vụ WiMAx thử nghiệm của Viettel.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một trong những tâm điểm của "cơn sốt" WiMax dấy lên trong 1-2 năm tới.

Tạp chí công nghệ trực tuyến ITBusinessEdge ngày 5/9 đưa ra nhận định, cuộc chạy đua triển khai công nghệ kết nối không dây WiMax đang bắt đầu nóng lên và sẽ trở nên vô cùng quyết liệt vào năm 2008 - 2009. Trong cuộc đua đó, cũng giống như đối với bất cứ công nghệ nào liên quan tới "di động" và "không dây", vòng đua sẽ chạy từ đông sang tây: Đầu tiên là châu Á, tiếp theo là châu Âu, rồi cuối cùng mới tới Mỹ.

"Cơn khát" WiMax của Châu Á

Nhận định của ITBusinesEdge dựa trên lập luận rằng châu Á có cộng đồng người dùng am hiểu và sốt sắng với các công nghệ mới, đồng thời có vị trí địa lý gần với những nhà sản xuất quan trọng nhất.

Hãng tin Reuters cũng có chung quan điểm này khi đăng tải bài viết ngày 4/9 mô tả "cơn khát" WiMax của châu Á. Không những thế, Reuters còn cho rằng, nếu công nghệ này được triển khai và đem lại những lợi ích, hiệu quả đúng như đã hứa hẹn, nó sẽ đe doạ nghiêm trọng các nhà cung cấp dịch vụ di động 3G.

Một trong những điều kiện tiên quyết cho mức độ thành công của WiMax là sự cam kết của chính phủ các nước. Cũng vì vậy mà chủ đề WiMax trong tuần này càng trở nên nóng sau khi Chủ tịch Intel Craig Barrett trong chuyến thăm Ấn Độ đã đưa ra đề nghị chính phủ nước này không quá bao bọc các công nghệ cũ, nhằm tạo điều kiện cho các công nghệ mới phát triển.

Cụ thể, ông cho biết đang thảo luận với Chính phủ Ấn Độ để cấp dải tần cho các dịch vụ WiMax và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai hạ tầng cơ sở cho công nghệ này.

Việc một số thị trường lớn ở châu Á như Ấn Độ, Đài Loan... trong thời gian vừa qua tỏ ra đặc biệt quan tâm tới WiMax cho thấy công nghệ này đang nóng lên từng ngày.

Việt Nam đang có lợi thế trong cuộc đua

Chính trong chuyến thăm Ấn Độ nói trên, ông Barrett tiết lộ rằng, Intel đã huỷ quyết định chọn Ấn Độ làm nơi đặt nhà máy sản xuất bán dẫn để quay sang chọn Việt Nam và Trung Quốc là do Chính phủ Ấn Độ chậm chạp trong việc đề ra các chính sách liên quan. Ông nói: "Do Chính phủ (Ấn Độ) chậm đưa ra các chính sách, trong thời gian chờ đợi chúng tôi đã đến với Việt Nam và Trung Quốc".

Ông Barrett đã gián tiếp một lần nữa tỏ ý đánh giá cao sự nhanh nhạy của Chính phủ Việt Nam trong việc đề ra các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Việt Nam đã sớm cấp dải tần, cấp giấy phép và tạo điều kiện cho các cuộc thử nghiệm WiMax là dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một trong những tâm điểm của "cơn sốt" WiMax chính thức dấy lên trong 1 - 2 năm tới.

Nhờ đi đầu trong việc triển khai và ứng dụng WiMax, Việt Nam sẽ tạo được nhiều lợi thế trong phát triển công nghệ cũng như phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Tuy nhiên, chặng đường từ nay tới lúc thực sự triển khai được WiMax còn rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, chính sách và đầu tư cần phải vượt qua.

Mặc dù có một số ý kiến cho rằng WiMax sẽ đe doạ 3G, nhưng nhà phân tích Nick Ingelbrecht của hãng nghiên cứu thị trường Gartner nhận xét, sự đe doạ này chỉ ở mức độ một phần thị trường chung mà hai công nghệ này cùng theo đuổi. Về tổng thể thì thị trường không hoàn toàn là chung và hơn nữa WiMax chưa đủ quy mô, sự trưởng thành và đà phát triển để thực sự đe doạ các mạng 3G.

Tuy vậy, về lâu dài, đây là một vấn đề đáng được các nhà cung cấp dịch vụ 3G quan tâm, đặc biệt là ở những thị trường chưa thực sự triển khai dịch vụ này như ở Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, trong khi việc triển khai 3G tại Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố cần xem xét, thì tiềm năng của WiMax trong việc cạnh tranh phần nào với 3G là một yếu tố quan trọng nữa cần được tính đến một cách thận trọng.