Việt Nam - Nhật Bản thống nhất tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực
Việt Nam - Nhật Bản mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi thương mại và đầu tư song phương vào năm 2020 so với năm 2014
Việt Nam - Nhật Bản vừa chính thức ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới quốc gia này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ 29/5 - 2/6.
Theo đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 31/5, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, khoa học-kỹ thuật…
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực.
Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác; quyết tâm phối hợp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực thông qua việc duy trì và củng cố một trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm lấy WTO là trung tâm và nhấn mạnh ý nghĩa của hệ thống thương mại song phương phù hợp với Hiệp định WTO.
Về quốc phòng và an ninh, hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên Biên bản hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản ký tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòngViệt Nam-Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản ký tháng 4/2018 giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.
Lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Hai nhà lãnh đạo quyết định tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua xử lý bom mìn còn sót lại và hỗ trợ nạn nhân dioxin, bom mìn tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục xem xét khả năng hợp tác trong lĩnh vực tẩy độc dioxin.
Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định ý định tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh lương thực và nguồn nước…
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ ý định của Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của viện trợ phát triển chính thức Nhật Bản, các dự án đối tác công tư và doanh nghiệp Nhật Bản cho sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện của Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định tiếp tục thực hiện hiệu quả và thuận lợi hợp tác phát triển giữa hai nước trên cơ sở bảo đảm lợi ích và phù hợp với nhu cầu của hai bên. Hai nhà lãnh đạo quyết định thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận và hợp tác để giải quyết các vướng mắc trong một số dự án của Nhật Bản tại Việt Nam.
Chủ tịch Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các lĩnh vực như sân bay, đường bộ và phát triển đô thị; cam kết nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó góp phần tăng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định, thông qua "Sáng kiến chung Việt-Nhật" và "Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng", Việt Nam sẽ nâng cao tính ổn định và minh bạch về luật pháp của môi trường đầu tư, bao gồm thực hiện hợp lý các ưu đãi đầu tư đã cam kết, xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp liên quan một cách thích hợp và hiệu quả phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp định WTO.
Việt Nam - Nhật Bản mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi thương mại và đầu tư song phương vào năm 2020 so với năm 2014.
Đặc biệt, tại cuộc hội đàm, lãnh đạo Việt Nam - Nhật Bản nhất trí mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp; hợp tác về pháp luật và tư pháp; môi trường, phòng chống thiên tai, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, y tế…