16:05 01/04/2024

Việt Nam ở đâu trong “cuộc đua” đón du khách Trung Quốc?

Tường Bách

Mùa cao điểm của du khách châu Âu, Mỹ thường từ tháng 9 - 10 tới tháng 3 - 4 năm sau. Nếu đón được thêm khách Trung Quốc có thể giúp những cơ sở lưu trú ở miền Bắc đạt công suất phòng, duy trì hoạt động kinh doanh trong cả năm…

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Ngày 27 - 30/3 vừa qua, phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Toursism Group (CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG) đã đến khảo sát, kí kết hợp tác với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) để mở 3 cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam. Việc kí kết hợp tác này nhằm chuẩn bị sẵn sàng đón hàng triệu lượt khách du lịch Trung Quốc và quốc tế đến tham quan, mua sắm tại Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho biết, việc hợp tác này mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch thương mại song phương giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam. China Duty Free là tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất Trung Quốc, doanh thu năm 2023 đạt 9,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 939,4 triệu USD. Ngoài ra, với hệ thống mạng lưới khách hàng thân thiết trên khắp thế giới, hợp tác giữa IPPG và CDF sẽ mang lại sự đột phá tăng trưởng du lịch cho Việt Nam với kỳ vọng thu hút thêm 25 triệu du khách Trung Quốc một năm. 

Theo đó, hai bên kí kết hợp tác để mở ba trung tâm miễn thuế tại 3 điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam là Quảng Ninh, Nha Trang và TP.HCM. Trong đó, cửa hàng miễn thuế đầu tiên sẽ được mở trong năm 2024 ở Móng Cái (Quảng Ninh) và dự kiến sẽ đón thêm 10 triệu khách Trung Quốc đến du lịch mua sắm.

IPPG cho biết, việc hợp tác này mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch thương mại song phương giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.
IPPG cho biết, việc hợp tác này mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch thương mại song phương giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu khách quốc tế. Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch ưu tiên liên kết hợp tác với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước, thu hút dòng khách chất lượng, có khả năng chi trả cao. Trong đó, Trung Quốc là nguồn khách trọng điểm. Giai đoạn trước dịch Covid-19, lượng khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Nói về khả năng hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch khách sạn), cho rằng mục tiêu này phù hợp và khả năng hoàn thành cao. Bởi sau một năm tăng trưởng du lịch nội địa, năm nay người Trung Quốc sẽ đi nước ngoài nhiều hơn.

Tuy nhiên, Outbox Company cũng lưu ý các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, đều hướng sự chú ý đến thị trường Trung Quốc nên cạnh tranh giữa các điểm đến là rất lớn. Hiện các nước này đang có những mục tiêu và chiến lược cụ thể đón dòng khách này trở lại.

Chẳng hạn Thái Lan năm nay đặt mục tiêu đón 36 - 38 triệu lượt khách quốc tế, trong đó riêng khách Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đón từ 10 - 11 triệu lượt. Đáng chú ý, ngoài mục tiêu rõ ràng, Thái Lan còn tung chính sách miễn visa để thu hút nguồn khách này. Cụ thể, Thái Lan đã miễn visa tạm thời cho khách Trung Quốc trong mùa cao điểm từ cuối tháng 9/2023 đến hết tháng 2/2024, và tiếp đó là miễn visa vĩnh viễn từ 1/3/2024.

Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, đều hướng sự chú ý đến thị trường Trung Quốc.
Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, đều hướng sự chú ý đến thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, Singapore đã đón hơn 327.000 lượt khách Trung Quốc chỉ trong tháng 2/2024, bằng khoảng 96% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tốc độ phục hồi khác biệt khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang chờ đợi sự trở lại của khách Trung Quốc, theo Bloomberg. Singapore đã tung ra nhiều chính sách để hấp dẫn du khách đến từ Trung Quốc, từ miễn thị thực, tăng cường an ninh, an toàn và đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa và giải trí độc đáo. Dự kiến tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay giữa Trung Quốc và Singapore ​​sẽ đạt 101% mức năm 2019 trong quý đầu tiên năm 2024, theo dữ liệu từ Circum.

Lượng khách Trung Quốc du lịch nước ngoài có thể đạt mốc 80% so với trước dịch vào cuối năm nay và trở lại mốc trước dịch vào cuối năm 2025, theo nghiên cứu của Dragon Trail International - đơn vị cung cấp giải pháp phát triển du lịch ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khách Trung Quốc đến châu Âu trong năm nay dự kiến ​​sẽ thấp hơn khoảng 40% so với năm 2019, còn tại Mỹ thị trường nguồn này được dự đoán đạt 73% so với mức trước đại dịch.

Theo các công ty du lịch trực tuyến như Ctrip, Tong Cheng, Tuniu, Mafengwo và Zuzuche, UAE là điểm đến yêu thích mới đối với du khách Trung Quốc, bên cạnh các thị trường nước ngoài truyền thống như Thái Lan và Malaysia. Nghiên cứu của Oxford Economics cũng cho thấy khu vực Trung Đông hứa hẹn dẫn đầu làn sóng phục hồi của khách Trung Quốc du lịch nước ngoài trong năm nay. Sienna Parulis-Cook, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Dragon Trail, cho biết chính sách miễn thị thực của UAE đối với du khách Trung Quốc và các chuyến bay thuận tiện đem đến sức hấp dẫn lớn.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 1,2 triệu lượt lượt khách tới Việt Nam. Đứng thứ hai là Trung Quốc với gần 890.000 lượt. Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda, Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc vào đầu năm 2024. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỷ lệ khách Trung Quốc quan tâm du lịch đến Việt Nam vào năm 2024 đạt 95% so với 2020.

Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc vào đầu năm 2024.
Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc vào đầu năm 2024.

Những con số đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Nhưng mọi thứ dường như chúng ta vẫn dừng lại ở “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong một tọa đàm gần đây, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế Saigontourist, nhận định chúng ta dù đã thông thoáng hơn về visa rất nhiều so với 2 năm trước, nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc, nên chúng ta cũng nên xem xét miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Đồng tình, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết hiện tại nhiều khách Trung ưu tiên đến Thái Lan hơn. “Thái Lan và Việt Nam đều có lợi thế chung đường biên giới với Trung Quốc, bay gần và nhiều chặng bay. Tuy nhiên, khách Trung vẫn cần xin visa đến Việt Nam trong khi Thái Lan thì không. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa, kiến trúc, thiên nhiên trong khi chùa ở Thái Lan lại khác, không khí tại Thái Lan cũng sôi động hơn”.

Thời gian tới, lượng khách Trung Quốc đi nước ngoài được dự báo tiếp tục bùng nổ vào dịp nghỉ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày bắt đầu từ 1/5. Sự kiện này sẽ mở đầu cho mùa du lịch hè - thời điểm khách Trung Quốc thích du lịch quốc tế nhất.