23:12 11/11/2009

Vinashin giải trình với báo chí

Anh Quân

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) giải trình bốn nội dung báo chí nêu

Việc sử dụng 750 triệu USD vay của Bộ Tài chính và 600 triệu USD của nước ngoài, theo tính toán của Vinashin, mới chỉ đáp ứng xấp xỉ 40% nhu cầu đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt cho tập đoàn.
Việc sử dụng 750 triệu USD vay của Bộ Tài chính và 600 triệu USD của nước ngoài, theo tính toán của Vinashin, mới chỉ đáp ứng xấp xỉ 40% nhu cầu đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt cho tập đoàn.
Buổi họp giao ban báo chí tại Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 10/11 đã nóng lên với bốn nội dung giải trình của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Một quan chức cấp cao của Vinashin nói với VnEconomy ngày hôm nay rằng, văn bản gồm 6 trang, do Tổng giám đốc điều hành Trần Quang Vũ ký ngày 9/11 được gửi tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí được thực hiện do có chỉ đạo, chứ không phải Vinashin giải trình để “tự minh oan cho mình”.

Trong 4 vấn đề được yêu cầu giải trình: về việc đóng tàu dầu 105.000 tấn, kho nổi chứa dầu FSO5 chậm, chưa bàn giao; về việc thiếu vốn; về việc không trả được nợ cho bên B tại Khu kinh tế Hải Hà; về việc đầu tư tàu Hoa Sen chạy tuyến Bắc - Nam, lãnh đạo Vinashin cho rằng đã có những “hiểu lầm” trong việc quy kết trách nhiệm chủ quan cho tập đoàn này.

Chậm bàn giao vì "thận trọng"

Ở vấn đề giải trình thứ nhất, văn bản của Vinashin cho rằng sản phẩm kho chứa dầu FSO5 và tàu chở dầu thô 105.000 tấn là sản phẩm có trọng tải lớn, tính năng kỹ thuật cao và rất phức tạp. Trên thế giới chỉ có một số nước công nghiệp phát triển mới đóng được và đôi khi còn xảy ra sự cố.

Trong khi đó, Vinashin mới thực sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng gần 5 năm trở lại đây với khoảng 1 tỷ USD, lực lượng khoa học, quản lý, công nhân lành nghề… còn trong quá trình đào tạo. Vì vậy, Vinashin cho rằng việc chậm triển khai, chưa bàn giao hai sản phẩm này là vì tập đoàn này phải "thận trọng" trong quá trình đóng sản phẩm.

“Khi những sản phẩm lớn lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam, để có được công nghệ và kinh nghiệm cần phải có thời gian, phải có sự điều chỉnh, chỉnh lý…”, văn bản của Vinashin cho biết.

Thiếu vốn có phần do Chính phủ?

Giải trình vấn đề thiếu vốn, nguyên nhân được Vinashin chỉ ra rằng, do tập đoàn mới được thành lập, vốn pháp định nhà nước đầu tư thời gian qua rất ít, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, nên tập đoàn phải tự đi vay để đầu tư.

Việc sử dụng 750 triệu USD vay của Bộ Tài chính và 600 triệu USD của nước ngoài, theo tính toán của Vinashin, mới chỉ đáp ứng xấp xỉ 40% nhu cầu đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt cho tập đoàn.

Ngoài ra, do các hợp đồng đóng tàu cần nhiều vốn, chủ tàu chỉ ứng một phần cũng là nguyên nhân khiến Vinashin phải vay thêm vốn lưu động từ các ngân hàng thương mại.

Không phủ nhận chuyện thiếu vốn, với con số nợ các ngân hàng thương mại đến hết năm 2008 là 19.885 tỷ đồng mà một số báo chí nêu trong thời gian gần đây, Vinashin cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn.

Song trên thực tế, từ tháng 9/2008 đến nay, Vinashin chưa nhận được nguồn tài chính nào của nhà nước, cũng như chưa phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài đợt nào (kể cả gói kích cầu của Chính phủ), văn bản của Vinashin cho biết.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại trong nước do khó khăn về vốn vay và thực hiện chính sách tài chính theo hướng thắt chặt, đã cùng “quay lưng” với Vinashin.

Tàu khai thác kém là do... nhận thức xã hội

Về đầu tư tàu Hoa Sen 1.300 tỷ đồng để nằm ụ như một số báo chí nêu, Vinashin cho rằng đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao với mục tiêu xây dựng tuyến vận tải hành khách và hàng hóa cao tốc ven biển, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển…

Vinashin cho rằng đầu tư vận tải thủy Bắc - Nam mất ít thời gian hơn, suất đầu tư thấp hơn hàng chục lần so với phát triển đường sắt nhưng phải đầu tư ít nhất 3 - 4 cặp tàu, tốc độ 25-30 hải lý/giờ, cùng với 3 cảng hành khách và hàng hóa tại Hạ Long, Chân Mây và Tp.HCM mới phát huy được hiệu quả dự án.

“Do xã hội chưa nhận thức được đầy đủ tính ưu việt của phương thức vận tải này nên tập đoàn phải đầu tư một tàu chạy thử nghiệm, rút kinh nghiệm và tạo thị trường, tạo thói quen… nhưng đang đầu tư thì khủng hoảng kinh tế nên tạm dừng và tập đoàn sẽ khởi động lại khi điều kiện thuận lợi hơn”, văn bản của Vinashin giải thích.

Nợ bên B: Không liên quan

Về số nợ không trả được cho bên B tại Khu kinh tế Hải Hà, Vinashin cho rằng tập đoàn chỉ là một trong sáu doanh nghiệp lớn nhà nước cùng thực hiện dự án, chiếm 20% vốn trong Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà. Cho nên, về pháp lý thì những việc tại đây là do công ty này chịu trách nhiệm.

Việc thanh toán, theo kiểm tra của các bộ phận chức năng, hiện còn một số vướng mắc về xác định khối lượng, giá trị… nên chưa thể thanh toán. “Ví dụ phương tiện san lấp chưa chính xác, một số vật tư, vật liệu, xăng dầu chưa đúng thực tế bên B chi phí…”, văn bản của Vinashin cho biết.

* Cũng trong văn bản giải trình ngày hôm qua, Vinashin thông báo, mặc dù 15% giá trị hợp đồng đã bị phía đối tác hủy, nhưng công ăn việc làm vẫn đảm bảo đến hết năm 1012 với trên 4 tỷ USD. Cho đến nay, tập đoàn này đã đạt giá trị tổng sản lượng gần 21,6 nghìn tỷ đồng; giá trị doanh thu đạt trên 16,5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến kết thúc năm nay, tăng trưởng sản xuất kinh doanh của Vinashin sẽ đạt mức 12% so với năm 2008.