12:15 16/02/2022

Virgin Galactic lần đầu mở bán vé du lịch vũ trụ cho công chúng, yêu cầu cọc 150.000 USD

Trang Linh

Mỗi chuyến du lịch vũ trụ với Virgin Galactic có giá 450.000 USD/vé và dự kiến sẽ khởi hành vào cuối năm nay...

Tàu vũ trụ VSS Unity chở theo tỷ phú Richard Branson bay vào không gian ngày 11/7/2021 - Ảnh: Virgin Galactic
Tàu vũ trụ VSS Unity chở theo tỷ phú Richard Branson bay vào không gian ngày 11/7/2021 - Ảnh: Virgin Galactic

Công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard Branson ngày 15/2 thông báo lần đầu mở bán tour du lịch cho công chúng từ ngày 16/2 và yêu cầu đặt cọc 150.000 USD.

Mỗi chuyến du lịch vũ trụ với Virgin Galactic có giá 450.000 USD/vé, được công bố vào năm ngoái. Khách hàng có ba lựa chọn: đặt vé đơn (có giá từ 450.000 USD), đặt vé cho nhiều người và bao trọn 6 chỗ trên tàu. Ngoài ra, suất bay "dành cho nghiên cứu vi trọng lực và đào tạo phi hành gia chuyên nghiệp" có giá 600.000 USD. Công ty này trước đó từng đề cập tới việc yêu cầu đặt cọc 150.000 USD, trong đó 25.000 USD không hoàn lại.

Thông tin này lập tức đẩy giá cổ phiếu Virgin Galactic tăng vọt 32%, đóng cửa phiên giao dịch 15/2 ở mức 10,74 USD/cổ phiếu. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu này giảm giá mạnh tới 80% sau khi hoãn việc khai thác các chuyến bay thương mại vũ trụ tới cuối năm nay.

Trong gần 10 năm qua, Virgin Galactic đã nhận được khoảng 600 đặt chỗ cho các chuyến du lịch vũ trụ trong tương lai, với mức giá chủ yếu là 200.000 – 250.000 USD. Tuy nhiên, công ty sau đó dừng bán vé cho chương trình này sau vụ tai nạn trong một chuyến bay thử vào năm 2014 khiến một phi công thiệt mạng. 

Tới tháng 8 năm ngoái, công ty này mở bán vé trở lại với mức giá tăng gấp đôi là 450.000 USD và tính tới tháng 11 bán được thêm 100 vé. Đối tượng được đặt vé là những người đã đăng ký sớm hoặc gia nhập “Cộng đồng Spacefarer” của công ty. Để gia nhập cộng đồng này, thành viên phải đặt cọc 1.000 USD. Theo bà Aleanna Crane, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Virgin Galactic, đến nay đã có khoảng 1.000 người tham gia cộng đồng này. 

Cùng với việc lần đầu mở bán bán vé cho công chúng từ ngày 16/2, Virgin Galactic cũng tiết lộ sẽ thay thế hình mống mắt của tỷ phú Richard Branson trên logo của mình bằng đường viền màu tím của tàu vũ trụ. Động thái này cho thấy Virgin Galactic đang bắt đầu tạo khoảng cách với người sáng lập, sau khi ông Branson đã bán hơn 1,25 tỷ USD cổ phiếu công ty này kể từ khi niêm yết lần đầu vào năm 2019 và đạt được ước mơ bấy lâu của mình là vượt qua ranh giới không gian của Mỹ vào tháng 7 năm ngoái.

Tỷ phú Richard Branson hoàn thành giấc mơ bay vào vũ trụ trên tàu của Virgin Galactic vào ngày 11/7/2021 - Ảnh: Virgin Galactic
Tỷ phú Richard Branson hoàn thành giấc mơ bay vào vũ trụ trên tàu của Virgin Galactic vào ngày 11/7/2021 - Ảnh: Virgin Galactic

Hành khách mua vé của Virgin Galactic sẽ được trải nghiệm hành trình khoảng một giờ đồng hồ trên tàu vũ trụ SpaceShipTwo, trong đó có khoảng 10 phút ở ngoài rìa vũ trụ. Họ sẽ được bay lên độ cao từ 12.000-15.000 m khi tàu vũ trụ gắn trên lưng máy bay vận chuyển.

Sau khoảng nửa giờ, SpaceShipTwo sẽ tách khỏi máy bay vận chuyển, kích hoạt động cơ tên lửa và lao thẳng lên không gian với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh, trước khi đạt độ cao hơn 80.000 m trên bề mặt Trái Đất. Hành khách sẽ được trải nghiệm cảm giác không trọng lực trong vài phút và ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao trước khi trở về. Tàu SpaceShipTwo trở về Trái Đất theo phương thức hạ cánh trên đường băng như máy bay thông thường. 

Cạnh tranh với Virgin Galactic, công ty Blue Origin của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos cũng đặt mục tiêu thương mại hóa du lịch vũ trụ. Cũng giống như Virgin Galactic, Blue Origin đã bắt đầu quá trình tiếp thị chương trình du lịch vũ trụ cho khách hàng. 

Một tuần sau chuyến bay của ông Branson, ông Bezos cũng đã thực hiện chuyến bay vào rìa vũ trụ tương tự trên con tàu New Shepard do Blue Origin chế tạo. Trước đó,  hơn 6.000 người từ ít nhất 143 quốc gia đã tham gia đấu giá để trở thành khách hàng đầu tiên tham gia chuyến bay vào không gian của công ty này. Trong đó, một hành khách đã trả hơn 28 triệu USD cho một suất bay nhưng tới phút chót lại không tham gia do ""xung đột lịch trình. Người này dự kiến sẽ tham gia chuyến bay sắp tới của Blue Origin.