VNM "kích hoạt" sóng thoái vốn trên thị trường chứng khoán
Không chỉ thiết lập mặt bằng giá mới, cổ phiếu VNM còn kích hoạt làn sóng tăng giá cho nhiều blue-chip khác, và kích thích đà tăng trên thị trường
Phiên đấu giá 3,3% vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cuối tuần qua đã thành công vượt dự kiến, đem lại gần 9.000 tỷ đồng cho ngân sách.
Không chỉ thiết lập mặt bằng giá mới, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM) còn kích hoạt làn sóng tăng giá cho nhiều blue-chip khác, và kích thích đà tăng trên thị trường chứng khoán. Sự thành công của thương vụ thoái vốn ở VNM, cũng mở ra cơ hội thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cũng như hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Phiên đấu giá ngoạn mục
Giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần đối với đợt chào bán cạnh tranh hơn 48 triệu cổ phần VNM được công bố ngày 1/11 không khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi lẽ, ở thời điểm Hội đồng Thành viên SCIC ký quyết định chọn mức giá trên, thị giá cổ phiếu VNM dao động quanh 151.000 đồng/cổ phần.
Nhưng diễn biến giá cổ phiếu VNM trên sàn, sau khi mức giá khởi điểm trên được công bố, lại khiến nhiều người bất ngờ. Giá cổ phiếu này tăng mạnh, đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/11 tại mức giá 155.000 đồng/cổ phiếu.
Ðây là biến động giá tích cực nhất của VNM trong 3 - 4 tháng trở lại đây, trái ngược với diễn biến năm ngoái: sau khi SCIC công bố giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần, giá cổ phiếu liên tục rớt và thị trường ồn ào với nghi vấn khối ngoại ép giá VNM xuống thấp để mua được cổ phiếu với giá rẻ.
Luật chơi năm nay không khác so với năm ngoái, đó là giá đặt mua của nhà đầu tư tham gia chào bán cạnh tranh không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn của cổ phiếu VNM tại ngày chào bán (10/11/2017).
Ðiều này có nghĩa, vào ngày chào bán, giá sàn cao hơn 150.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải trả giá cao hơn giá sàn. Và thực tế, phiên đấu giá hôm 10/11, nhà đầu tư phải trả giá tối thiểu 151.200 đồng/cổ phần.
19 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng cơ hội chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức. JC&C, Tập đoàn có trụ sở tại Singapore, đã bỏ giá cao nhất 186.000 đồng/cổ phần để sở hữu trọn lô cổ phần chào bán đợt này, số tiền họ bỏ ra lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Giải mã công thức thành công
Ngay sau khi phiên đấu giá diễn ra, giới đầu tư lập tức "mổ xẻ" lý do tạo ra sự bùng nổ của đợt thoái vốn này, với kết quả ngoạn mục, vượt số tiền có thể thu được theo dự kiến gần 2.000 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, phản ứng tích cực của thị trường có thể lý giải bởi nhiều lý do, trong đó có yếu tố cục diện chung của cả thị trường đã tốt hơn rất nhiều. Một phần khác đến từ khẩu vị ưa thích các cổ phiếu và doanh nghiệp tăng trưởng của nhà đầu tư lớn. 9 tháng đầu năm nay, VNM tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam và thậm chí cả khu vực.
Yếu tố quan trọng hơn nằm ở việc "làm mới" cách bán của SCIC. Cụ thể, có nhiều điểm mới được áp dụng tại đợt thoái vốn này.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trên cơ sở kinhnghiệm thực hiện bán vốn của SCIC tại Vinamilk vào năm 2016, SCIC đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư như đặt cọc tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán…
Quy trình chào bán cổ phần của SCIC được thực hiện một cách công khai, minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngày 18/10/2017, SCIC phối hợp với HOSE, Vinamilk và Liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk, trước đó non-deal roadshow đã được tổ chức ở 2 thị trường nước ngoài là Singapore và Hồng Kông.
Đợt chào bán năm nay còn được giới phân tích nhận xét rằng, thời điểm bán được tính toán phù hợp hơn. Năm ngoái, phiên chào bán cạnh tranh được tổ chức vào ngày 12/12, thời điểm rất gần với kỳ nghỉ lễ dài ngày của giới đầu tư nước ngoài, cũng như thời điểm chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư.
Đây chính là một rào cản vô hình vì nhà đầu tư khó có thể chấp nhận tham gia một thương vụ lớn mà vừa mua cổ phiếu xong, khả năng lỗ có thể xảy ra.
Đợt chào bán năm nay đẩy sớm hơn 1 tháng, trong khi có nhiều quy định thay đổi theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư, đã đem lại kết quả vượt dự kiến.
Bên cạnh lợi ích rõ ràng là ngân sách nhà nước thu được số tiền lớn, thành công của đợt thoái vốn còn tạo ra cú hích cho thị trường chứng khoán, phá vỡ ngưỡng cản tâm lý đang tồn tại khá dài trong thời gian qua.
Thị trường trở lên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư, chính là điều kiện lý tưởng cho các đợt thoái vốn và IPO doanh nghiệp nhà nước tới đây. Kết quả này cũng chứng minh rằng, các đợt thoái vốn doanh nghiệp quy mô lớn cần được giao cho các đơn vị chuyên nghiệp để thu được kết quả tối ưu nhất.