Vốn đăng ký đầu tư vào Thừa Thiên Huế tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã cấp mới cho 19 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng 12 dự án và tăng hơn 4.100 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ...
Theo thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh này đạt được nhiều kết quả tích cực.
HƠN 400 DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ NGỪNG HOẠT ĐỘNG
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 4/2024 ước tăng 4% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng ước tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 3,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 26,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,9%.
Một số sản phẩm chủ yếu của Thừa Thiên Huế có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Bia 105,3 triệu lít, tăng 4,2% so với cùng kỳ; xi măng 499,2 nghìn tấn, tăng 0,9%; sợi các loại 35,9 nghìn tấn, tăng 11,5%; quần áo lót 129,5 triệu sản phẩm, tăng 6,8%; dăm gỗ 242,4 nghìn tấn, tăng 48,1%; điện thương phẩm 625,6 triệu KWh, tăng 4%,...
Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: Tôm đông lạnh 1.213,8 tấn, giảm 2,3%; men frit 74,8 nghìn tấn, giảm 6,3%; điện sản xuất 371,7 triệu KWh, giảm 35%;...
Trong gần 4 tháng đầu năm nay, Thừa Thiên Huế có 281 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.512,2 tỷ đồng, tăng 6,4% về lượng và tăng 7,1% về vốn so với cùng kỳ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại 150 doanh nghiệp, tăng 3 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động của tỉnh này có tới 431 doanh nghiệp, tăng 123 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 41 doanh nghiệp, giảm 188 doanh nghiệp so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã cấp mới cho 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.272,5 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án FDI với tổng vốn 33,2 triệu USD. So với cùng kỳ, số dự án đầu tư của 4 tháng 2024 đã tăng thêm 12 dự án và tăng hơn 4.100 tỷ đồng vốn đăng ký.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 351 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 292 triệu USD, tăng lần lượt 7,1% và 44% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 17.881 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ.
Hoạt động du lịch của Thừa Thiên Huế tiếp tục có nhiều khởi sắc, duy trì đà phục hồi tích cực. Tổng thu từ du lịch của tỉnh này trong 4 tháng qua ước đạt 2.595 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và tăng 71,2% so với thời điểm năm 2019. Tính riêng trong 5 ngày nghỉ lễ, Thừa Thiên Huế ước đón khoảng 110.000 khách du lịch, tăng 15,8% và tăng 9,7% doanh thu từ du lịch so với cùng kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên, tỉnh này lọt vào top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất Châu Á.
THU NGÂN SÁCH GẦN 4.000 TỶ ĐỒNG
Trong 4 tháng năm 2024, thu ngân sách của Thừa Thiên Huế ước đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán, bằng 29% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 3.585,5 tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, bằng 27,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 361 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, bằng 52,3% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 68,2%. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.738 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 1.110,5 tỷ đồng, bằng 19% dự toán.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ giao đến thời điểm báo cáo là 982,383 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch, xếp thứ 29/63 tỉnh thành theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, vốn ngân sách địa phương: giải ngân 555,751 tỷ đồng/4.342,226 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch. Vốn ngân sách trung ương trong nước: giải ngân 310,506 tỷ đồng/1.340,653 tỷ đồng, đạt 23,2% kế hoạch. Vốn ngân sách trung ương nước ngoài (ODA): giải ngân 116,126 tỷ đồng/575 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch.
Những tháng qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2,...
Sắp tới, Thừa Thiên Huế dự kiến khởi công mới các dự án trọng điểm như: Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh; Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường Vành đai 3; Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh,.. Dự kiến thông xe kỹ thuật cầu qua cửa Thuận An (thuộc dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An) và cầu vượt sông Hương (thuộc dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương) vào quý 4/2024; hoàn thành dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê, các hạng mục kè sông Như Ý, kè tại khu C khu đô thị An Vân Dương và thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước, các công trình điện Kiến Trung và điện Thái Hoà trong khu vực Tử Cấm Thành.
Đối với tình hình đầu tư và xây dựng, trong 4 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thừa Thiên Huế ước đạt 7.601 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Cụ thể, phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 1.655 tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch, tăng 2,6%; vốn do địa phương quản lý 5.946 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch, tăng 4,7%.