Vốn đầu tư 9 tháng đầu năm: Kết quả và cảnh báo
Trong 9 tháng, về vốn đầu tư đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng cũng có một số vấn đề cần cảnh báo
Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng là mục tiêu số 1, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác hiện nay và khát vọng đến 2030, 2045. Trong 9 tháng, về vốn đầu tư, bao gồm vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng cũng có một số vấn đề cần cảnh báo.
Các chỉ số thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện chia theo nguồn trong 9 tháng đầu năm 2019 như sau:
Quy mô tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm 2019 thuộc loại lớn. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt 33,4%- tuy thấp hơn thời kỳ 2001-2005 (39,1%), thời kỳ 2006-2010 (39,2%), nhưng đã cao hơn thời kỳ 2011-2015 (31,5%) và nằm trong xu hướng cao lên từ năm 2016 (33%), 2017 (33,4%), 2018 (33,5%). Tỷ lệ này thuộc loại cao trên thế giới, có chăng chỉ thấp thua tỷ lệ tương ứng của Trung Quốc.
Tăng trưởng tổng vốn đầu tư phát triển trong 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước đạt 10,3%. Đó cũng là tốc độ tăng thuộc loại khá cao.
Quy mô và tốc độ tăng cao của vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chính là một trong những yếu tố góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt khá cao trong quý 3 (7,31%), 9 tháng (6,98%) và dự đoán đạt cao hơn trong cả năm - vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,6-6,8%), thậm chí có kỳ vọng còn đạt cao hơn tốc độ tăng của năm trước (7,08%).
Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nguồn
Nguồn từ khu vực nhà nước chiếm 31% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tuy tỷ trọng này tiếp tục giảm xuống so với các năm trước (2001-2005 đạt 51,8%, 2006-2010 đạt 38,7%, 2011-2015 đạt 39,1%, 2016 đạt 37,5%, 2017 đạt 35,7%, 2018 đạt 33,3%), nhưng đó là xu hướng cần thiết trong nền kinh tế thị trường để Nhà nước rút dần việc đầu tư trực tiếp, nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút lượng vốn từ các nguồn khác.
Song so với cùng kỳ chỉ tăng 3% - nếu loại trừ yếu tố giá, thì gần như không tăng. Trong nguồn vốn này, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất (chiếm 59,7%), chỉ tăng 4,8%.
So với kế hoạch năm, 9 tháng mới đạt 59,7%, trong đó phần Trung ương mới đạt 50,1%, đặc biệt một số bộ/ngành còn có tỷ lệ thực hiện thấp hơn nữa (Bộ Giao thông vận tải 41,2%, Bộ Giáo dục và Đào tạo 47,3%, Bộ Y tế 48%, Bộ Tài nguyên và Môi trường 48,1%...).
Nguồn vốn đầu tư của dân cư và tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất (45,3%) - cao hơn so với các thời kỳ trước (2001-2005 là 32,5%, 2006-2010 là 36,1%, 2011-2015 là 38,3%, 2016 là 38,9%, 2017 là 40,6%, 2018 là 43,3%).
So với cùng kỳ năm trước tăng 16,9% - cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung. Nguồn vốn này cao hơn nên góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; thường có hiệu quả cao hơn, nên góp phần làm cho suất đầu tư tăng trưởng tiếp tục ở dưới 5 lần.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và có tốc độ tăng khá cao (23,5%). Lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký đạt 15763,2 triệu USD, giảm 19,9%, trong đó đăng ký mới 10973,4 triệu USD, giảm 22,3%, đăng ký bổ sung 4789,8 triệu USD, giảm 13,6%.
Những hạn chế, bất cập và thách thức
Về số lượng, nguồn vốn từ khu vực nhà nước thực hiện chậm ở hầu hết các nguồn cụ thể. Mức thực hiện bình quân một tháng chỉ đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, trong khi kế hoạch còn lại trong 3 tháng cuối năm phải đạt 50,4 nghìn tỷ đồng (mặc dù thực hiện đã tăng lên trong tháng 8 đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, tháng 9 đạt 34,7 nghìn tỷ đồng.
Nguồn FDI đăng ký mới và đăng ký bổ sung bị giảm, ngược với dự đoán của nhiều người là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra thì sẽ có một lượng vốn FDI đầu tư vào Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam. Nguồn vốn dân cư và tư nhân tăng khá chủ yếu do tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được khơi dậy, nhưng quy mô thường nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu.
Hiệu quả đầu tư còn thấp do suất đầu tư tăng trưởng còn cao. Có nhiều yếu tố làm cho hiệu quả đầu tư còn thấp, trong đó đáng lưu ý: có nhiều nhà đầu tư ham rẻ đã mua thiết bị có công nghệ lạc hậu hoặc một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chủ yếu nhằm khai thác nguồn lao động đông, giá nhân công rẻ nên thiết bị có nước không cao; việc đầu tư còn bị lãng phí, thất thoát, thi công chậm...
Số lượng vẫn cứ phải tăng, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư phải cao lên.