08:14 16/09/2022

Vụ kiện nhà băng Thuỵ Sỹ làm rúng động ngành quản lý gia sản nhà giàu

Hà Thanh

Các quỹ uỷ thác đã tồn tại hàng thế kỷ theo luật chung của Anh, được xem như phương tiện hiệu quả để chuyển giao lợi ích của tài sản qua các thế hệ. Một chiến thắng của tỷ phú Ivanishvili trong vụ kiện với công ty uỷ thác Credit Suisse Trust có thể khiến nhiều người phải xem xét lại về cách các hãng uỷ thác phát hiện những giao dịch và hoạt động bất thường...

Tỷ phú Bidzina Ivanishvili,  cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia. Ảnh: Bloomberg.
Tỷ phú Bidzina Ivanishvili,  cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia. Ảnh: Bloomberg.

Việc tỷ phú Bidzina Ivanishvili, cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia, bắt đầu đưa ra cáo buộc hôm 5/9 và yêu cầu công ty uỷ thác Credit Suisse Trust Ltd thuộc đoàn ngân hàng Credit Suisse Group AG (Thụy Sĩ) bồi thường 800 triệu USD đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Vụ kiện có thể xem như “phép thử” đối với lĩnh vực uỷ thác toàn cầu - ngành công nghiệp chuyên giúp các gia đình giàu có quản lý khối gia sản lên tới nhiều tỷ USD.

Ông Clifford Ng, đối tác quản lý tại công ty luật Zhong Lun ở Hồng Kông (Trung Quốc), cho rằng việc dịch vụ ủy thác nằm trong một bộ phận kinh doanh của ngân hàng có thể dẫn tới phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp này, người thụ uỷ ít có khả năng rút tài sản từ ngân hàng đó ngay cả khi các khoản đầu tư không hoạt động hoặc được tư vấn tồi.

Ông Tang Hang Wu, giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), chuyên gia về lĩnh vực ủy thác và quản lý tài sản cho biết: “Những người trong ngành, không chỉ tại  Singapore mà trên toàn thế giới, đang dõi theo vụ việc để xem người thụ uỷ (tức phía ngân hàng) phải có những tiêu chuẩn hay nghĩa vụ gì đối với người thụ hưởng (tức khách hàng có tài sản được quản lý)”.

Các ngân hàng quốc tế với vai trò giám sát quá trình làm việc giữa công ty ủy thác với khách hàng của ngân hàng cũng cần xem xét lại chiến lược.

TRANH CHẤP PHÁT SINH

Tranh chấp gay gắt trong vụ kiện bắt nguồn từ năm 2004 khi ông Ivanishvili chọn Credit Suisse để giám hộ 1,1 tỷ USD. Ông từng giữ chức Thủ tướng Cộng hoà Georgia từ tháng 10/2012 đến tháng 11/2013 và gây dựng khối tài sản ở Nga thời hậu Xô Viết.

Vào thời điểm đó, nhân viên Patrice Lescaudron phụ trách nhiều khách hàng của Credit Suisse bao gồm cả ông Ivanishvili. Lescaudron đã làm việc tại Credit Suisse Geneva (Thuỵ Sĩ) nhưng bị sa thải vào năm 2015. Năm 2018, tòa án Thụy Sĩ kết án Lescaudron 5 năm tù vì gian lận và giả mạo chữ ký khách hàng. Năm 2020, Lescaudron đã tự tử trong tù.

Sau vài năm dùng tiền của khách hàng để đầu tư, Lescaudron bắt đầu thua lỗ. Trong quá trình bị điều tra, ông này thừa nhận đã hoảng loạn và bắt đầu làm giả chữ ký trên các lệnh giao dịch và sao chép các tuyên bố nhằm “câu giờ” để khắc phục thua lỗ. Những hành vi này của Lescaudron không bị phơi bày cho tới năm 2015, khi một vụ đặt cược gây thua lỗ nghiêm trọng đã dẫn tới những cuộc gọi ký quỹ với tổng trị giá 120 triệu USD đối với Ivanishvili.

Ông Ivanishvili cho biết đến tận năm 2015 mới biết đến vụ gian lận của  Lescaudron. Nhân viên người Pháp này đã thay ông Ivanishvili dùng tài sản để đầu tư mà không được sự cho phép của vị tỷ phú.

Tại Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore , ông Ivanishvili cáo buộc Credit Suisse Trust đã không bảo vệ các khoản đầu tư của mình và "thực hiện các hành động thích hợp" để ngăn chặn gian lận của nhân viên Lescaudron tại ngân hàng ở Geneva. 

Các luật sư của ông Ivanishvili lập luận trong phiên tòa rằng bên thụ ủy kiểm soát các tài khoản nên thực hiện các hành động bảo vệ và giám sát tài sản, và lẽ ra phải can thiệp khi có những dấu hiệu bất ổn về hành vi của Lescaudron từ năm 2006.

Ông Cavinder Bull, luật sư chính của Ivanishvili, tuyên bố tại toà án: “Nếu bên thụ ủy điều tra các khoản thanh toán trái phép và giám sát hoạt động uỷ thác đúng theo luật pháp và chính sách, thì họ có thể đã nhận ra tài sản ủy thác bị chiếm đoạt và / hoặc bị sử dụng đầu tư bởi người không có thẩm quyền”.

Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 24/3/2021. Ảnh: Reuter.
Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 24/3/2021. Ảnh: Reuter.

Phản đối lại, luật sư của phía Credit Suisse Trust cho rằng theo hợp đồng, bên thụ uỷ chỉ có nhiệm vụ quản lý cấu trúc ủy thác mà không giám sát bất kỳ khoản tiền gửi đi. Theo các luật sư của Credit Suisse Trust, cả ông Ivanishvili và cố vấn của ông là George Bachiashvili lẽ ra phải chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư được đưa ra thay mặt họ.

Trả lời câu hỏi của thẩm phán rằng có nên can thiệp ngăn chặn các khoản thanh toán trái phép của ông Lescaudron từ năm 2006 hay không, cựu giám đốc quỹ uỷ thác là ông Birri cho rằng không nên . “Chúng tôi không kiểm soát điều đó”, ông Birri nói.

Ông Birri cho biết đã không liên hệ với ông Ivanishvili dù biết nhân viên Lescaudron thực hiện ​​các khoản thanh toán ngoài quỹ uỷ thác trong nhiều năm. Bởi ông tin rằng vị tỷ phú chỉ muốn liên hệ trực tiếp với người quản lý uỷ thác của mình. Ông Birri nói thêm việc chứng kiến các khoản thanh toán như vậy “không phải là điều lạ” khi ông giám sát tới 1.500 cấu trúc uỷ thác của công ty. 

PHÉP THỬ MANG TÊN CREDIT SUISSE TRUST

Một chiến thắng của ông Ivanishvili trước Credit Suisse Trust có thể buộc nhiều người phải xem xét lại về cách các công ty uỷ thác phát hiện giao dịch bất thường hoặc hoạt động mờ ám.

Các quỹ uỷ thác thác đã tồn tại hàng thế kỷ theo luật chung của Anh và được xem như phương tiện hiệu quả để chuyển giao tài sản qua các thế hệ. Theo STEP, một tổ chức về tài sản và uỷ thác có trụ sở tại London với 21 nghìn thành viên từ 96 quốc gia, yêu cầu về tính minh bạch trên toàn cầu đang gia tăng và Liên minh châu Âu (EU) đàn áp hoạt động rửa tiền có thể khiến việc đăng ký các quỹ uỷ thác về cơ bản cũng tăng theo.

Ngay vào ngày thứ hai khi phiên toà diễn ra, tập đoàn ngân hàng Credit Suisse đã thông báo bán mảng kinh doanh ủy thác của mình. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp như Barclays Plc và Rothschild & Co đã giảm hoạt động ủy thác trong khi các hãng như UBS Group AG và JPMorgan Chase & Co cung cấp hoạt động uỷ thác như một phần thuộc dịch vụ quản lý tài sản.

Ngành công nghiệp uỷ thác đã phát triển vượt bậc tại Singapore, khi quốc đảo này trở thành trung tâm tài chính châu Á, nơi nhiều công ty đặt trụ sở chính và giới nhà giàu cất giữ tài sản.  Bloomberg trích dẫn dữ liệu của cơ quan quản lý tài chính Singapore cho thấy có 64 công ty uỷ thác được cấp phép hoạt động tại nước này.

Giáo sư luật Tang Hang Wu của Đại học Quản lý Singapore, cho biết hiện các chứng từ uỷ thác vẫn có sự mâu thuẫn về giới hạn trách nhiệm. Một số người cho rằng người thụ uỷ dù không bị ràng buộc bởi quyết định của công ty thuộc sở hữu của quỹ uỷ thác, nhưng nếu họ phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì vẫn phải can thiệp, ông Tang Hang Wu nói. Vị giáo sư nhấn mạnh: "Nói cách khác, trước những hành vi sai trái, người thụ ủy phải can thiệp".

Hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn, nhưng vụ kiện có thể khiến bên Credit Suisse chịu thiệt hại. Phán quyết về vụ việc dự kiến được đưa ra vào quý 1 năm sau tại Singapore.