16:29 20/03/2024

Vụ Tân Hoàng Minh và bài học “chủ quan” khi hành nghề kiểm toán

Đỗ Mến

Thừa nhận báo cáo kiểm toán không đúng với chuẩn mực, cựu giám đốc công ty kiểm toán nhận sai do “chủ quan và dễ dãi” khi đưa ra ý kiến “chấp nhận toàn phần”...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính được kiểm toán là một trong những điều kiện bắt buộc trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Pháp luật quy định rất rõ tại điểm b, đ khoản 1 Điều 9 và điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện “Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện; Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ chào bán trái phiếu phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện với ý kiến chấp nhận toàn phần ... Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính trong hồ sơ chào bán trái phiếu gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán… và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ ...”.

Tuy nhiên, vụ án Tân Hoàng Minh đã chỉ ra những bài học đối với nghề kiểm toán.

Hồ sơ thể hiện, do cần vốn kinh doanh, năm 2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sau đó hợp thức trái chủ, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Công ty Tân Hoàng Minh để bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Về phương án, Tân Hoàng Minh sử dụng 3 pháp nhân gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông.

Kết quả kinh doanh của 3 công ty trên không đủ điều kiện phát hành trái phiếu và báo cáo tài chính đã bị chỉnh sửa. Tuy nhiên, khi được Tân Hoàng Minh đặt vấn đề thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính 3 công ty trên theo hướng “chấp nhận toàn phần”, trong thời gian nhanh nhất để phục vụ phát hành trái phiếu, một số công ty kiểm toán đã “gật đầu”.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

Theo cáo buộc, bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân – giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt đã ký hợp đồng kiểm toán với Công ty Soleil để kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất năm 2020 của Công ty Ngôi sao Việt và Công ty Soleil. Còn bị cáo Lê Văn Dò, Nguyễn Thị Hải (Công ty CPA Hà Nội), Phan Anh Hùng đã ký kiểm toán BCTC năm 2020, 2021 của Công ty Cung điện Mùa Đông.

Tại tòa, bị cáo Lân thừa nhận, so với chuẩn mực kế toán thì báo cáo kiểm toán trên không đúng vì thiếu một số thủ tục kiểm toán như không trao đổi với lãnh đạo đơn vị kiểm toán, nhiều khoản mục chính chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng kiểm toán.

“Biết là sai thì tại sao lại làm”, tòa chất vất. Bị cáo Vân lúc này thừa nhận do “chủ quan và dễ dãi khi đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần”. Tuy nhiên, bị cáo khai nhận không được ăn chia. Bị cáo nhận thức báo cáo tài chính kiểm toán để Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Hải (Phó tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội) khai nhận “làm theo chỉ đạo của anh Dò”. Bị cáo đã quá tin tưởng anh Dò và nhận thức không đúng vai trò của mình đối với báo cáo kiểm toán.

Bị cáo Phan Anh Hùng – Phó giám đốc Công ty CPA Hà Nội chi nhánh Sài Gòn khai nhận, bị cáo đưa ra ý kiến theo mục đích soát xét thuế. Trong quá trình kiểm toán, bị cáo thấy chưa có sai phạm và làm theo chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, bị cáo Hùng thừa nhận giả chữ ký của kiểm toán viên, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận ra sai phạm. Bị cáo “đổ thừa” là do không biết mục đích kiểm toán là để Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu.

Hội đồng xét xử giải thích “Kiểm toán là phải làm đúng nội dung, hình thức còn việc doanh nghiệp sử dụng vào việc gì lại là việc khác’.

Tại tòa, bị cáo Lê Văn Dò – Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội chỉ thừa nhận không đôn đốc, giám sát nhân viên. Bị cáo cho biết, do ảnh hưởng của Covid nên muốn tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Để xảy ra sự việc quá lớn, bị cáo rất ăn năn, hối hận.

Cáo buộc cho thấy, hồ sơ chào bán trái phiếu đã được tạo lập bằng thủ đoạn thông đồng của một số bị cáo Tân Hoàng Minh với một số cá nhân tại các công ty kiểm toán.

Trong vụ án này, cáo buộc xác định, các bị cáo Tân Hoàng Minh đã thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức hồ sơ; ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng cách ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.

Ngoài ra, các bị cáo ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 03 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh.

Bên cạnh đó, các bị cáo sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền là 8.643 tỷ đồng.

 

Số tiền huy động được ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh sử dụng vào các việc như trả tiền cho người mua đến hạn hơn 5.100 tỷ đồng; trả tiền gốc, lãi các khoản vay ngân hàng hơn 1.976 tỷ đồng; thanh toán tiền mua cổ phần, dự án, tạm ứng, đặt cọc hơn 4.500 tỷ đồng; thanh toán các chi phí cho tập đoàn hơn 929 tỷ đồng; chuyển tiền cho ông Dũng đầu tư chứng khoán, trả nợ cá nhân, mua bán USD hơn 801 tỷ đồng; trả tiền lãi và hoa hồng trái phiếu hơn 316 tỷ đồng.

Số dư còn lại trên tài khoản Công ty Tân Hoàng Minh tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 214 tỷ đồng (đã bị thu hồi).

Cho đến nay, toàn bộ hậu quả của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn.