15:30 03/03/2016

Vừa bị siết trừng phạt, Triều Tiên lại nã pháo

Diệp Vũ

100% thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên

Binh sỹ Triều Tiên đứng trước một bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng ngày 15/2 - Ảnh: Bloomberg/AP.<br>
Binh sỹ Triều Tiên đứng trước một bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng ngày 15/2 - Ảnh: Bloomberg/AP.<br>
Triều Tiên phát tín hiệu bất chấp lệnh trừng phạt mới của Liên hiệp quốc đối với nước này bằng cách bắn thử pháo tầm ngắn xuống vùng biển giữa hai miền bán đảo.

Theo tin Bloomberg, Triều Tiên đã nã một loạt pháo ở vùng biển phía Đông vào lúc khoảng 10h sáng ngày 3/3 theo giờ Seoul.

Trước đó khoảng 10 tiếng đồng hồ, 100% thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Năm nay, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân và một vụ phóng tên lửa.

Ban đầu, phía Hàn Quốc nói vụ bắn sáng nay của Triều Tiên là bắn tên lửa, nhưng sau đó đính chính lại là bắn pháo.

“Ít có khả năng Triều Tiên sẽ từ bỏ hoặc giảm tốc việc phát triển và thử vũ khí hạt nhân, cho dù bị siết trừng phạt”, nhà phân tích Cheong Seong Chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc, nhận định. “Cần phải chuẩn bị cho khả năng Triều Tiên đẩy căng thẳng gia tăng nhằm phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”.

Lệnh trừng phạt mới hạn chế hoặc cấm Triều Tiên xuất khẩu vàng, titanium, đất hiếm và than -vốn là những nguồn ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng. Lệnh trừng phạt mới cũng cấm Triều Tiên nhập khẩu vũ khí loại nhỏ, cấm các định chế tài chính mở chi nhánh hoặc tài khoản ở Triều Tiên, yêu cầu thanh kiểm tra tất cả các tàu chở hàng ra vào Triều Tiên, đồng thời liệt vào “danh sách đen” một số người Triều Tiên, bao gồm cả các quan chức nước này đang hoạt động ở Iran, Syria và Việt Nam.

Việc Trung Quốc ủng hộ tăng cường trừng phạt Triều Tiên là điều quan trọng bởi Bắc Kinh là đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng.

Thời gian qua, Trung Quốc đã gia tăng áp lực nhằm buộc chính quyền Kim Jong Un từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu vẫn phản đối áp dụng những lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Bình Nhưỡng, vì lo ngại bất ổn sẽ xảy ra ở quốc gia láng giềng.

“Lệnh trừng phạt không phải là một mục đích và nghị quyết của Hội đồng Bảo an không thể giải quyết triệt để các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Là một láng giềng gần gũi với bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc luôn mong muốn mục tiêu lớn là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo này”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Liu Jieyi nói.

“Hôm nay, cộng đồng quốc tế, cùng chung một tiếng nói, đã gửi tới Bình Nhưỡng một thông điệp đơn giản: Triều Tiên phải từ bỏ những chương trình nguy hiểm của mình và chọn một lối đi tốt hơn cho người dân”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một tuyên bố phát đi sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng kinh tế của việc hạn chế xuất khẩu than đối với Triều Tiên. Theo bà Power, xuất khẩu than đem về cho Triều Tiên khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu của nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cùng bày tỏ hoan nghênh việc Triều Tiên bị siết trừng phạt.

“Nghị quyết này của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thực sự có ảnh hưởng, bởi Trung Quốc đã cho thấy quan điểm rằng cần có hành động mạnh hơn với Triều Tiên”, giáo sư George Lopez thuộc Đại học Notre Dame, một cựu chuyên gia của Liên hiệp quốc về trừng phạt đối với Triều Tiên, phát biểu.