Walmart chi 16 tỷ USD thâu tóm startup thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ
Đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Walmart
Ngày 9/5, hãng bán lẻ Walmart công bố sẽ trả khoảng 16 tỷ USD để thâu tóm gần 77% cổ phần của Flipkart - hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ, hãng tin CNN cho biết.
"Ấn Độ là thị trường ưu tiên đối với chúng tôi", Giám đốc điều hành (CEO) Doug McMillon của Walmart cho biết. "Chúng tôi sẽ đang hành động để định vị vị trí của công ty trong tương lai tại thị trường này".
Thương vụ này được tuyên bố vài tuần sau khi Walmart bán hết cổ phần tại chuỗi siêu thị Asda tại Anh.
Theo Paula Rosenblum - đối tác quản lý tại Retail Systems Research, việc rút khỏi thị trường bán lẻ đã bão hòa của Anh và dồn nguồn lực tới Ấn Độ cho thấy Walmart đang có cách tiếp cận khôn ngoan hơn so với chiến lược "nông nổi" đã áp dụng khi tấn công thị trường Trung Quốc trước đây.
"Walmart nhận thấy cuộc chiến kéo dài tại thị trường châu Âu", Matt Sargent - chuyên gia bán lẻ tại hãng tư vấn Magid nói và nhận định rằng việc Walmart nhắm tới Ấn Độ cho thấy "mong muốn tiếp tục tập trung vào phân khúc có tăng trưởng cao hơn".
CEO McMillon cũng cho biết Walmart sẽ ưu tiên các khoản đầu tư có thể giúp tạo ra doanh số và lợi nhuận mới. Tại Mỹ, điều này đồng nghĩa với chuyển sang chiến thuật thu hút những khách hàng thu nhập cao mua sắm trực tuyến, mở rộng phân khúc khách hàng thu nhập thấp tại các khu vực ngoại ô và nông thôn.
Tháng 6 năm ngoái, Walmart đã thâu tóm một số thương hiệu bán lẻ trực tuyến Bonobos, hợp tác với các startup giao thực phẩm và xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử với Jet.com.
Tuy nhiên, trên thị trường bán lẻ trực tuyến Mỹ, Walmart phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Amazon và đang tìm kiếm các cơ hội ở nước ngoài.
Walmart bắt đầu mở rộng ở nước ngoài từ năm 1991, thành lập một công ty liên doanh ở Mexico. Đây hiện cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng bán lẻ này với hơn 2.300 cửa hàng.
Hiện tại, Walmart vận hành hơn 6.300 cửa hàng tại 27 quốc gia, bao gồm ở châu Phi, Mỹ Latin, Trung Mỹ, châu Á và Canada. Khoảng 25% trong doanh thu 500 tỷ USD năm ngoái của hãng này đến từ các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, doanh thu quốc tế của Walmart đã giảm 12%. Đầu năm nay, hãng này đã phải tuyển một CEO mới về điều hành kinh doanh ở nước ngoài.
Trước đó, Walmart từng cố gắng tấn công thị trường Đức và Hàn Quốc nhưng rời cả hai nước này khoảng 10 năm trước. Theo Wall Street Journal, hãng này đang cân nhắc việc rút khỏi Brazil sau khi phải đóng hàng chục cửa hàng trong vài năm gần đây.
Kể từ khi thâu tóm cổ phần chuỗi siêu thị Asda ở Anh năm 1999, Walmart đã phải vật lộn cạnh tranh với các đối thủ nội địa. Và giờ đây, công ty này tìm cách đón đầu xu hướng tại Ấn Độ - nơi cũng phải cạnh tranh với Amazon.
"Mọi người đều đang hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành 'Trung Quốc tiếp theo'", Scott Galloway - giáo sư trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết.
Cả Walmart và Amazon đều đang cạnh tranh giành thị phần trực tuyến tại Ấn Độ - thị trường mà Walmart nhận định đang tăng trưởng nhanh gấp 4 lần bán lẻ truyền thống.
Theo Morgan Stanley, doanh thu trực tuyến tại Ấn Độ có thể đạt 200 tỷ USD vào năm 2026. CEO của Amazon Jeff Bezos cũng nhận định Ấn Độ là thị trường có tiềm năng rất lớn và tuyên bố sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào đây. Hiện Amazon đã là hãng bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 tại Ấn Độ với khoảng 30% thị phần, theo ước tính của Morgan Stanley.
Về phía Walmart, công ty này đang áp dụng chiến lược liên doanh tại thị trường Ấn Độ. "Flipkart là hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ. Việc hợp tác với công ty này giúp Walmart lập tức có được vị thế để bắt kịp với Amazon tại đây".
Tại Ấn Độ, Walmart có "cơ hội làm điều họ vẫn luôn rất giỏi, đó là bán hàng hóa với mức giá hợp lý tới thị trường đại chúng", Paula Rosenblum - đối tác quản lý tại Retail Systems Research nói.
Sau khi tuyên bố thâu tóm cổ phần Flipkart ngày 9/5, cổ phiếu Walmart sụt khoảng 4% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng thương vụ "khủng" này có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của công ty.