23:08 07/12/2012

“Xem xét thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam”

Trang Anh

Các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Một góc trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Một góc trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Đề án “tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm” vừa chính thức được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu của đề án là tái cấu trúc toàn diện thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị trí của thị trường chứng khoán và bảo hiểm; phấn đấu tới năm 2020 đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Đề án nêu rõ, việc tái cấu trúc phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, bao gồm: tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm và tái cấu trúc tổ chức thị trường.

Đặc biệt, quyết định của Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo 4  nguyên tắc: thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành; thống nhất về nền tảng công nghệ; thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên, giao dịch và phải phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch, bao gồm một sàn giao dịch cổ phiếu và một sàn giao dịch trái phiếu, chứng khoán phái sinh.

Cùng với đó là sẽ củng cố mô hình hoạt động độc lập của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Về phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đề án nhấn mạnh, trong thời gian tới, các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ được phân theo 4 nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp.

Cụ thể, nhóm hoạt động lành mạnh, gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%. Tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nhóm này xây dựng và triển khai phương án tự củng cố nhằm bảo toàn vốn, lành mạnh hóa và từng bước nâng cao năng lực tài chính.

Nhóm thứ hai là nhóm hoạt động bình thường, gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 150% tới 180%. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán nằm trong nhóm này phải xây dựng, tổ chức thực hiện phương án khắc phục. Đồng thời phải cơ cấu lại danh mục đầu tư, thu hồi nợ, hạn chế các hoạt động đầu tư và dịch vụ chứng khoán tiềm ẩn rủi ro; tinh giản tổ chức nhân sự, cắt giảm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó phải củng cố năng lực và lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn, bán nợ hoặc chuyển vốn nợ thành vốn chủ sở hữu, hạn chế phân phối lợi nhuận cho cổ đông, thành viên góp vốn, chi thưởng....

Nhóm bị kiểm soát gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 120% tới 150%. Ngoài áp dụng các giải pháp đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động bình thường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng quy trình chi tiết để quá trình tái cơ cấu các tổ chức thuộc nhóm này diễn ra theo lộ trình trật tự, bảo đảm an toàn tài sản của khách hàng. Trong đó, sẽ yêu cầu các tổ chức thuộc nhóm này lành mạnh hóa và củng cố năng lực tài chính, tự nguyện hoặc thực hiện rút bớt các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng là nhóm bị kiểm soát đặc biệt, gồm các tổ chức hoạt động kinh doanh thua lỗ làm cho tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%. Đối với nhóm này, sau thời gian bị kiểm soát đặc biệt, nếu không bảo đảm được các quy định về an toàn tài chính và tiếp tục thua lỗ (lỗ lũy kế đạt trên 50% vốn điều lệ), thì đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không khắc phục được và lỗ lũy kế đạt dưới 50% vốn điều lệ, thì chấm dứt mọi hoạt động chứng khoán, duy trì tư cách pháp nhân để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng, chủ nợ; hoặc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

Về tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng sẽ phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm theo 4 nhóm, gồm: nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc có lãi từ 2 năm liên tục trở lên; Nhóm  các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục; nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán và nhóm gồm các doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.