23:03 25/11/2018

Xu thế dòng tiền: Vì sao dòng tiền chưa trở lại?

Nguyễn Hoàng

Tuần tăng điểm bất ngờ đi ngược diễn biến thế giới vẫn chưa thực sự thuyết phục. Các chuyên gia cho rằng thị trường đang thiếu dòng vốn ngắn hạn

Tuần tăng điểm bất ngờ đi ngược diễn biến thế giới vẫn chưa thực sự thuyết phục. Các chuyên gia cho rằng thị trường đang thiếu dòng vốn ngắn hạn.

Những thống kê về thanh khoản trong tuần qua cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với mức trung bình mặc dù VN-Index tăng khá tốt trong liền 5 phiên. Các chuyên gia vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức trung bình thấp, mới giải ngân thăm dò lấy cảm giác hoặc chỉ trading biên độ hẹp.

Nguyên nhân khiến thanh khoản giảm được chỉ ra là thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dao động khá nhỏ nên đa số cổ phiếu mua về không có lời trong ngắn hạn nên chiến lược ưu tiên lúc này vẫn là bảo toàn vốn hoặc giao dịch trading nhỏ. Mặt khác, yếu tố bất ổn từ thị trường quốc tế vẫn còn.

Liên quan đến khả năng kết thúc hoặc leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung thời điểm đầu tháng 12 tới, các chuyên gia nhận định khác nhau. Quan điểm tiêu cực cho rằng nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung và căng thẳng thương mại leo thang, thị trường chứng khoán sẽ xấu đi, thậm chí có thể kích hoạt làn sóng bán tháo mới.

Quan điểm tích cực hơn cho rằng kịch bản xấu của cuộc chiến thương mại đã được thị trường dự kiến nên ảnh hưởng sẽ không lớn. Thị trường Việt Nam cũng đã chiết khấu giảm khá mạnh, nhiều cổ phiếu giảm sâu nên biến động giảm mạnh nếu có cũng chỉ diễn ra nhanh và có dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.

Xu thế dòng tiền: Vì sao dòng tiền chưa trở lại? - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Diễn biến tuần này ẩn chưa nhiều bất ngờ mà đáng kể nhất là liên tục xuất hiện các phiên tăng ngược với biến động của thế giới, đem lại sự hào hứng không nhỏ cho nhà đầu tư. Cảm giác của anh chị thì sao, liệu đó có phải là biểu hiện của sức mạnh nội tại đang dần chiếm ưu thế?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường tuần qua đã có những diễn biến tích cực đi ngược so với thị trường chứng khoán Mĩ và khá tương đồng với thị trường chứng khoán châu Á, điều này bị tác động là do chủ yếu mặt bằng định giá có khoảng cách của nhóm thị trường mới nổi và thị trường Mỹ.

Thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh, nhưng dấu hiệu này vẫn chưa rõ ràng và mức độ thanh khoản vẫn chưa đảm bảo để thị trường hoàn toàn bước vào giai đoạn này.

Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội giải ngân mới tiếp tục gia tăng và nhà đầu tư nên tiếp tục chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu. Việc chọn lựa đúng cổ phiếu vào gian đoạn này là rất quan trọng trong hờn cảnh thị trường có sự phân hóa khá rõ rệt.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Những phiên giao dịch diễn biến ngược thế giới cho chung ta cảm giác thị trường Việt Nam đang mạnh hơn, và đang dần thoát khỏi tác động tâm lý và một phần cũng phản ánh câu chuyện riêng của từng thị trường.

Còn để nhận xét thị trường Việt Nam đang có sức mạnh nội tại lớn hơn thì cũng chưa đủ căn cứ, bởi công bằng mà nói thị trong giai đoạn các tuần trước đó VN-Index vẫn giảm điểm trong khi các chỉ số khác trên thế giới không giảm nhiều và thậm chí tăng.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Tôi cho rằng những phiên biến động ngược chiều với chứng khoán thế giới của thị trường Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua là cộng hưởng của nhiều yếu tố, mặc dù tôi cũng khá đồng tình rằng sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế Việt Nam có một vai trò quan trọng; giúp bình ổn phần nào tâm lý của nhà đầu tư.

Thứ nhất, thị trường Việt Nam đã hầu như giảm liên tục từ mức trên 1.000 điểm vào đầu tháng 10 xuống mức điểm hiện nay là 915 - 925. Trong bối cảnh như vậy thì một số lượng lớn các nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu và thu tiền về thì đều đã hành động rồi đồng thời nhiều nhà đầu tư khác cũng đã chủ động hạ tỷ trọng margin xuống mức an toàn. Chính vì vậy mà áp lực cung trên thị trường trong tuần giao dịch vừa qua là không lớn và nếu có thì dòng tiền tham gia bắt đáy đủ mạnh và ổn định giúp chỉ số VN-Index đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp.

Thứ hai, theo đánh giá của chúng tôi thì các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết đều đang rất hấp dẫn do đã chiết khấu khá nhiều (25% - 50%) tùy theo nhóm ngành và khó có thể giảm sâu thêm nữa do đáy của VN-Index có nhiều khả năng ở vùng 880 - 890 điểm. Chính vì vậy mà thị trường cũng đã chứng kiến nhiều phiên giao dịch có khối lượng đột biến do dòng tiền bắt đáy tham gia mạnh trong vòng hai tuần vừa qua.

Thứ ba, quý 4 đã đi hết 2/3 chặng đường và nhiều nhà đầu tư cũng như tôi vẫn kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp sẽ giúp vực dậy thị trường trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô năm 2019 vẫn tiếp tục khả quan nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của CPTPP và EVFTA.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index biến động trong biên độ hẹp 890 - 930 điểm trong tuần với khối lượng chỉ đạt 126 triệu/phiên trong khi hai tuần đầu tháng 10/2018 khối lượng bình quân, tuy ở mức thấp, nhưng cũng đạt 195 triệu cổ phiếu/phiên. Thị trường vẫn tiếp tục đi ngang giúp cho chỉ số VN Index biến động ít hơn nhưng với giá trị giao dịch khoảng 2.500 tỷ đồng/ phiên, mức thấp trong khoảng 1 tháng trở lại đây khiến cho xu hướng tăng có thể kém thuyết phục. Tỷ lệ số mã tăng/số mã giảm vẫn tiêu cực.

Theo tôi chỉ số đi ngang có thể mở ra cơ hội cho xu tăng nhưng điều quan trọng nhất lúc này là khối ngoại ngừng bán và dòng tiền mới vào thị trường.

Xu thế dòng tiền: Vì sao dòng tiền chưa trở lại? - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Phiên giao dịch cuối tuần hơi buồn là đã không thể đột phá thêm được mà lại kết thúc bằng phiên giảm khá mạnh. Thanh khoản trung bình trong tuần cũng hơi thấp và ngày cuối tuần thì rất thấp. Thị trường tăng nhưng không thu hút được nhà đầu tư mua tốt hơn mà lại chọn giải pháp quan sát. Anh chị có thể lý giải điều này như thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trong tuần qua mặc dù thị trường có tăng về điểm số, tuy nhiên lại chưa thể hút được dòng tiền quay trở lại bởi nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng, do bối cảnh bức tranh thế giới vẫn chưa thực sự rõ nét, cùng với đó là những đợt mất mát khá nhiều trong thời gian vừa qua, và gần đây nhất là đợt sụt giảm rất mạnh của tháng 10 là những nguyên nhân chính tác động tới tâm lý đầu tư hiện tại.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường tuần qua biến động trong biên độ hẹp và giá trị giao dịch duy trì ở mức thấp. Thời điểm trũng thông tin cũng như không có dòng tiền lớn dẫn dắt dẫn đến lý do để giải ngân ít. Chứng khoán mua về có thể hòa vốn hoặc lỗ nhẹ làm cho nhà đầu tư ngần ngại chưa dám mạnh tay xuống tiền.

Việc đứng ngoài quan sát thị trường thêm cũng là cách chọn lựa của nhà đầu tư lướt sóng lúc này.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Đây cũng là điều khá dễ hiểu khi xét về mặt kỹ thuật thì thị trường đang khá "xấu" với đường xu hướng dài hạn MA 200 và trung hạn MA 50 đang đi xuống trong khi đường MA 20 ngắn hạn thì khả quan hơn. Kết hợp với tình trạng thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực trong bối cảnh tình hình vĩ mô thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Nhiều nhà đầu tư chọn lựa giải pháp đứng ngoài thị trường và theo dõi nhằm bảo toàn vốn. 

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường hiện tại đang ở trong giai đoạn trống các thông tin hỗ trợ khi mà kết quả kinh doanh quý 3 không phản ánh được nhiều vào giá cổ phiếu. Hệ thống chỉ báo xu hướng theo định lượng của tôi vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số chính với mức kháng cự ở mức 926.39 điểm của chỉ số VN-Index và 105.20 điểm của chỉ số HNX-Index.

Do đó, việc các nhà đầu tư ngắn hạn có xu hướng đứng ngoài thị trường là việc dễ hiểu. Nhà đầu tư nên đợi thị trường có xu hướng cụ thể để ra quyết định của mình. Việc nhà đầu tư có thể làm thời điểm hiện tại nên là tiếp tục lựa chọn cổ phiếu đã xác nhận xu hướng tăng, cơ cấu danh muc tập trung đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30 và dừng bán ở giai đoạn hiện tại.

Xu thế dòng tiền: Vì sao dòng tiền chưa trở lại? - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Đầu tháng 12 tới thời điểm then chốt của nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại hay bước ngoặc hạ nhiệt cuộc chiến sẽ được định đoạt bằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung. Tháng 12 cũng là thời điểm FED quyết định có tăng lãi suất hay không. Theo anh chị nhưng yếu tố đó có ảnh hưởng đến diễn biến thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Ảnh hưởng thì chắc chắn sẽ có tuy nhiên mức độ ảnh hưởng như thế nào và ảnh hưởng ra sao thì còn tùy thuộc vào kết quả của hai sự kiện trên. Về việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ & Trung Quốc thì tôi cho rằng có thể có hai kịch bản xảy ra:

Kịch bản 1: Mỹ & Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung: Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này sẽ tiếp tục như hiện nay và có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn như Mỹ nâng gói đánh thuế lên 500 tỷ USD, chiến tranh lạnh hoặc nóng. Trong bất kỳ trường hợp nào thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phản ứng khá tiêu cực và có thể sẽ kích hoạt một làn sóng bán tháo mới.

Kịch bản 2: Mỹ & Trung Quốc đàm phán thành công và căng thẳng thương mại bấy lâu nay sẽ dần hạ nhiệt. Trong tình huống này tuy nền kinh tế vĩ mô Việt Nam không còn được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này nữa nhưng sẽ được bù lại bởi sự ổn định vĩ mô thế giới và niềm tin của nhà đầu tư. Điều này có nghĩa rằng dòng tiền sẽ nhanh chóng ổn định để qua trở lại thị trường.

Cuối cùng, câu chuyện FED nâng lãi suất trong tháng 12 (trên 75% theo hệ thống đánh giá của chúng tôi) sẽ chỉ có tác động nhất thời lên thị trường trong ngắn và trung hạn, nhưng sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong dài hạn. Dòng tiền khối ngoại trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng tương đối nhưng về lâu dài không quá đáng ngại do thị trường Việt Nam vẫn đang được đánh giá là hấp dẫn và ổn định so với khu vực.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thực tế thị trường vẫn bị tác động tâm lý chính từ những yếu tố trên trong thời gian qua. Tuy nhiên phải có những diễn biến cụ thể và ngoài dự báo thì mức độ tác động thời gian tới mới mạnh, và thị trường có phần đang phản ánh tâm lý với kịch bản tiêu cực của các sự kiện trên.

Theo đó cuộc chiến Mỹ - Trung nhiều khả năng vẫn khó sớm đi đến "hoà bình", hay việc Fed tăng lãi suất trong tháng 12 này là trong dự báo của các chuyên gia. Do vậy với kịch bản ngược lại thì sẽ tác động tốt tới tâm lý nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Như đã nhận định từ trước mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn, tính từ đáy 880 điểm của Vnindex thì các cổ phiếu đang ở mức giá rất hấp dẫn. Do vậy những thông tin tiêu cực như leo thang căng thẳng thương mại, FED tăng lãi suất sẽ khó tác động mạnh đến thị trường Việt Nam.

Nếu có ảnh hưởng trong trưởng hợp xấu quay về quanh vùng đáy  sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ nhanh chóng có dòng tiền bắt đáy tham gia nâng đỡ thị trường tạo sự phục hồi nhanh chóng.

Xu thế dòng tiền: Vì sao dòng tiền chưa trở lại? - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường đã không điều chỉnh mà lại tăng ngược trong tuần. Anh chị có bị bất ngờ không, có tham gia mua vào không? Tỷ trọng hiện tại như thế nào?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đi ngang trong tuần vừa qua cũng là thông điệp tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên dòng tiền vẫn rất dè dặt. Chúng tôi lựa chọn giải ngân một phần tiền để cân bằng tâm lý.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi vẫn giữ tỷ trọng danh mục cân bằng, và chưa tham gia mua mới, mà chỉ trading trong biên độ nhất định, với dự báo thị trường cũng chưa tăng mạnh nhưng vẫn khó giảm quá sâu, do vậy tôi sẽ mua vào trading những phiên giảm điểm và bán ra sau khi tăng trở lại ở các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi đã bắt đầu tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt, tỷ trọng danh mục ngắn hạn ở mức 40% cổ phiếu và 60% tiền mặt. Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn tôi vẫn giữ ổn định ở mức 31% cổ phiếu và 69% tiền mặt.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Tôi vẫn duy trì tỷ trọng danh mục đầu tư như hiện tại với 45% - 50% cho các cổ phiếu dài hạn và không tham gia vào hoạt động giao dịch ngắn hạn nào trong hai tuần vừa qua.