10:04 02/08/2018

Xuất khẩu gạo chạm ngưỡng 2 tỷ USD trong 7 tháng

Nguyễn Huyền

Nhờ giá gạo của Việt Nam luôn đứng ở mức cao, trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đã tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị

Dự báo, trong quý 4/2018 sẽ xuất hiện nhiều nhu cầu.
Dự báo, trong quý 4/2018 sẽ xuất hiện nhiều nhu cầu.

Tháng 7/2018, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 382 ngàn tấn với kim ngạch 196 triệu USD. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo ước đạt 3,865 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng ở mức cao, đặc biệt luôn cao hơn giá gạo Thái Lan từ 30 - 40 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần qua, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.650– 5.750 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.100 – 6.200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.250 – 7.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.150 – 7.200 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.650 – 8.700 đồng/kg; gạo 15% tấm 8.500 – 8.600 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.250 – 8.350 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa hè - thu 2018 nên nguồn cung tăng, thời gian giao hàng cho các hợp đồng tập trung của các doanh nghiệp lại sắp kết thúc trong khi thị trường chưa có nhu cầu, giá lúa hè - thu đang xuống thấp khiến đầu ra thời điểm này chưa thuận lợi.

Xuất hiện nhu cầu nhập khẩu gạo cuối năm

Theo các chuyên gia, Thái Lan và Việt Nam hiện đang thu hoạch rộ lúa, nguồn cung dồi dào tiếp tục tạo áp lực thị trường, nhưng người mua cảm thấy giá hấp dẫn cho mua tồn kho và nhiều người cho rằng, đây là mức giá đã gần chạm đáy, nhu cầu tồn kho có thể được duy trì với mức giá mua hấp dẫn này.

Dự báo, trong quý 4/2018 sẽ xuất hiện nhiều nhu cầu, chỉ tính riêng 5 thị trường truyền thống: Cuba, Iraq, Indonesia, Philippines và Malaysia có thể sẽ nhập khẩu từ 3 đến 4 triệu tấn gạo, chưa kể 2 thị trường thương mại Trung Quốc và châu Phi. 

Song, nhu cầu nhập gạo của Malaysia sẽ giảm so với hồi đầu năm nay, trong khi Philippines phần lớn là nhu cầu nhập gạo theo hình thức MAV (chương trình nhập khẩu gạo theo cam kết của Chính phủ Philippines với WTO), hướng đến gạo Thái Lan vì giá ấn tượng của nước này.

Tháng 8/2018, thị trường tập trung Băngladesh có khả năng vận hành nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gạo và sẽ mua của Việt Nam 400.000 tấn, trong số 400.000 tấn này họ sẽ nhập khẩu 250 ngàn tấn gạo đồ. 

Tại thị trường Cuba, hàng tháng các doanh nghiệp Việt Nam phải giao 60 ngàn tấn gạo cho thị trường này; còn Iraq là 30 ngàn tấn mỗi tháng. Nhu cầu lớn là vậy nên khả năng bán gạo của Việt Nam là rất cao nhưng do gạo Việt Nam đang chênh lệch khá cao so với gạo cùng loại của Thái Lan, khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn mua vào.

Cần khai thác tốt thị trường lân cận

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam với 1,133 triệu tấn, trong đó xuất chính ngạch là 1,115 triệu tấn, bán qua đường biên giới là 18 ngàn tấn. Kế đến là thị trường châu Phi với 537 ngàn tấn; Philippines là 429 ngàn tấn; Indonesia là 776 ngàn tấn; Malaysia với 305 ngàn tấn...

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, giá lúa hè - thu sụt giảm từ 500 đến 1.000 đ/kg chỉ là giảm cục bộ, có thể là do bị ngập nước khó bán nhưng vấn đề quan tâm nhất hiện nay là vào quý 3 vào quý 4/2018 có những thị trường quay lại. Thông thường những năm mưa bão nhiều thì nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường sẽ tăng lên. Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt, bỏ qua vấn đề cung cầu của thị trường chỉ xét về điều kiện địa lý thì chúng ta có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh.

Và hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì thị trường này chiếm đến 40% khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tạo ra 2 rào cản rất lớn cho ngành gạo của chúng ta, đó là chính sách nhập khẩu và yếu tố kỹ thuật mà nước này đặt ra. Đối với yếu tố kỹ thuật đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của Trung Quốc xuất bán vào Việt Nam thì chất lượng rất yếu kém nhưng khi hàng hóa của Việt Nam bán vào Trung Quốc họ luôn đòi hỏi chất lượng rất cao.

"Trước đây, chúng ta thường có quan niệm "Trung Quốc là thị trường dễ tính" nhưng trên thực tế không phải như vậy, hiện nay từ thịt heo đến các loại rau củ quả của Việt Nam khi xuất bán vào thị trường Trung Quốc nếu không đạt chuẩn họ sẽ không cho nhập vào, ngay cả gạo cũng vậy", ông Kiên nhấn mạnh.

Do vậy, để có thể khai thác tốt thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ tốt của Trung ương về mặt chính sách, đối với vấn đề chất lượng sản phẩm cần có sự tiếp sức của ngành nông nghiệp cùng người nông dân sản xuất ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.