Xuất khẩu hạt tiêu tụt mốc 1 tỷ USD
Lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng nhưng kim ngạch giảm
Sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, nhưng năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu sẽ chỉ còn 800 triệu USD. Sản lượng tiêu xuất khẩu liên tục tăng, nhưng giá trị ngày càng giảm, khiến cả nông dân và doanh nghiệp lo lắng.
Việt Nam đã 18 năm giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Và đã 4 năm có tên trong câu lạc bộ nông sản trên 1 tỷ USD. Cụ thể: Xuất khẩu năm 2014 đạt 155.125 tấn với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD; năm 2015 xuất khẩu đạt 135 nghìn tấn, kim ngạch 1,26 tỷ USD; năm 2016 xuất khẩu đạt 177 nghìn tấn, kim ngạch 1,42 tỷ USD; năm 2017 đạt 214,9 nghìn tấn, kim ngạch 1,12 tỷ USD.
Nếu như năm 2001, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam mới chỉ đạt 50 nghìn tấn thì đến nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu đã vượt qua mốc 200 nghìn tấn, chiếm trên 60% sản lượng tiêu thương mại trên toàn thế giới.
Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu được dự báo tăng khoảng 2%/năm, ngành hồ tiêu đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu hạt tiêu từ đầu năm 2018 đến hết 30/11 ước đạt 220 nghìn tấn và 718 triệu USD, tăng 8,9% về lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Ấn Độ và Pakistan vẫn là 3 thị trường chính của tiêu Việt Nam, với thị phần lần lượt là 19,6%, 8,2% và 4,3%.
Ngược với xu hướng giảm giá, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh. Trong đó, tăng mạnh nhất tại thị trường Ấn Độ, tăng đến 29,4% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp theo là thị trường Mỹ và Pakistan, với mức tăng lần lượt là 11,1% và 21,9%.
Tuy nhiên, do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục nên kim ngạch xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt giảm mạnh nhất ở thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (giảm 57,5%). Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.264 USD/tấn, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Ước tính, cả năm nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tiêu sẽ chỉ đạt 800 triệu USD, tụt sâu dưới mốc 1 tỷ USD. Điều mà khiến nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu rầu lòng nhất, là giá cứ sụt giảm mãi.
Trong nửa đầu tháng 12/2018, diễn biến trên thị trường hạt tiêu cũng không mấy khả quan. So với ngày 30/11/2018, giá hạt tiêu trong nước giảm 3,5 - 5,5%, và giảm 6,8 - 10,3% so với ngày 1/11/2018. Ngày 18/12/2018, giá tiêu đang được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, tại sàn Kochi - Ấn Độ ngày 18/12/2018, giá tiêu giao kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 40 Rupee xuống còn 39.060 Rupee/tạ; giao kỳ hạn tháng 1/2019 không biến động giá giữ ở mức 39.000 Rupee/tạ so với ngày trước đó.
Dù giá giảm, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới nhờ thặng dư cung - cầu giảm. Theo Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC), dự kiến tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt 494.200 tấn, giảm so với mức 523.400 tấn của năm 2018. Sản lượng hồ tiêu Ấn Độ dự kiến cũng sẽ giảm trong năm 2019 xuống còn 47.000 tấn từ gần 64.000 tấn vào năm 2018.
Tại Indonesia, người dân không tích trữ nguồn hàng như những năm trước. Còn ở Việt Nam, mưa lớn kéo dài gây ngập úng, khiến hàng trăm ha cây tiêu chết. Tuy nhiên, giá tiêu toàn cầu sẽ không tăng mạnh do Brazil đang bước vào vụ thu hoạch mới. Để cải thiện giá tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cách duy nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong vụ mùa 2018/2019, Việt Nam có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 ha. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại có chiều hướng tăng lên.
Năm 2018, các chi phí về vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng giá 15-25% so với năm 2017; giá điện nước, công thu hoạch cũng tăng khoảng 10%.
"Như vậy, chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu", bà Oanh nói.
Điểm tích cực là thời gian gần đây, nông dân trồng hồ tiêu đã tuân thủ tốt hơn các quy trình canh tác, sản xuất để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn GAP, quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách hơn...
Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, để cây tiêu giành lại vị thế ngành hàng tỷ USD, các doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền...