Xuất khẩu lâm sản đạt gần 8 tỷ USD
Lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đạt 7,932 tỷ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tháng 9/2019 ước đạt 890,8 triệu USD, tăng 22,7% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đạt 7,932 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 6,060 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2019, gỗ và lâm sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường chính, với kim ngạch sang các thị trường này đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Khả thi mục tiêu 11 tỷ USD
Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản vào Hoa Kỳ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ; sang Nhật Bản đạt 1,03 tỷ USD, tăng 15,7%; sang Trung Quốc đạt 850 triệu USD, tăng 1,2%; sang Hàn Quốc đạt 620 triệu USD, giảm 12,7%; sang EU đạt 730 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Với các đơn hàng hiện hữu đến cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, mục tiêu đạt 11 tỷ USD xuất khẩu lâm sản của toàn ngành năm 2019 là hoàn toàn khả thi.
Liên tục các năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn tăng trưởng ở mức hai con số và năm nào cũng thiết lập kỷ lục mới, và đạt 9,3 tỷ USD năm 2018. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Năm 2019 và sắp tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu lại được tiếp sức nhiều hơn để tăng trường, phát triển nhờ các yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước tác động.
Về mặt thuế quan, ngày 30/6/2019, Việt Nam ký cùng lúc 2 hiệp định quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tiến tới việc xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU. Theo các hiệp định này, đối với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU, thuế quan sẽ được xóa bỏ trong thời hạn tối đa là 7 năm.
Về mặt kỹ thuật, trước đây các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào EU và các thị trường khó tính khác cần phải có chứng chỉ của tổ chức FSC (Forest Stewardship Council) về các loại chứng nhận FSC-FM (quản lý rừng), FSC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) và FSC-CW (nguồn gỗ có kiểm soát FSC).
Nay Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức PEFC vào ngày 17/6/2019 chuẩn bị cho việc xem xét và phê duyệt Chương trình chứng nhận quản lý rừng quốc gia Việt Nam theo PEFC (VFCS/PEFC) vào tháng 2/2020.
Chương trình này sẽ bao gồm các loại chứng nhận VFCS/PEFC-FM (quản lý rừng) và VFCS/PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm), các chứng nhận của VFCS/PEFC tương tự như chứng nhận FSC sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến và thương mại gỗ và lâm sản có thêm một sự lưa chọn để khai báo bán hàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, PEFC có 51 thành viên quốc gia tham dự và đã chứng thực chứng nhận quản lý rừng cho 44 quốc gia. Theo Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, Văn phòng chứng chỉ rừng quốc gia Việt Nam (Vietnam Forest Certification Office, VFCO) đã được thiết lập và ban hành bộ tiêu chuẩn đầu tiên về quản lý rừng của quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ được PEFC chứng thực vào đầu năm 2020...
Cần tập trung cải thiện năng suất lao động
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhận định, trong những năm tới, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, với tốc độ tăng hàng năm sẽ ở mức 15-20%. Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ đang phải đối mặt với cạnh tranh sản xuất khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tham gia nhiều vào thị trường Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2019, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ và trên 60% trong tổng số dự án vào ngành gỗ nhắm vào mảng chế biến gỗ. Điều này khiến doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước áp lực về thiếu hụt lao động; cạnh tranh về giá ngày càng quyết liệt, kéo theo bài toán về năng suất và chất lượng.
Hiện nay có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45%, năng suất lao động thấp là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, đến sự cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam. Điểm yếu của ngành hiện nay là thiếu lao động, khiến các công ty cạnh tranh thu hút nhân sự và kéo chi phí nhân công tăng cao.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, việc nhận dạng những chi phí không cần thiết để loại bỏ những chi phí này sẽ là việc phải làm để cải thiện năng suất. Muốn cải thiện năng suất lao động trong ngành gỗ, bên cạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, cần rút ngắn thời gian giao hàng, nâng cao sự an toàn, cải thiện tinh thần làm việc.
"Việc tăng năng suất lao động đang là đòi hỏi tất yếu của ngành gỗ. Muốn vậy phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới phải có kinh phí, phải có người, công nhân vận hành kỹ thuật cao, phải có tay nghề cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo công nhân công nghệ cao cũng phải được chú trọng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu vận hành máy móc hiện đại", ông Quyền nhấn mạnh.