11:22 04/05/2024

Xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng trưởng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm

Quỳnh Anh

Các thị trường chủ đạo cũng đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam…

 Lũy kế 4 tháng đầu năm, mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đã thu về hơn 2,9 tỷ USD, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đã thu về hơn 2,9 tỷ USD, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, cho biết xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện trong tháng 4 đã thu về hơn 720 nghìn USD, tăng mạnh 40% so với tháng 4/2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 2,9 tỷ USD, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời là mặt hàng chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý các thị trường chủ đạo đều đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này. Xét về thị trường, tính đến hết quý 1, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam với hơn 1,4 tỷ USD, tăng 119% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với hơn 234 triệu USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 133 triệu USD, tăng 9,2% so với quý 1 năm 2023.

Năm 2023, xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đã mang về hơn 7,6 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ và là mặt hàng có mức tăng trưởng đứng thứ 3 chỉ sau nhóm hàng rau quả và gạo.

Trong vài năm gần đây, các nhà sản xuất như Fujifilm hay Sony đã và đang trở thành “kẻ thống trị” trong thế giới máy ảnh nhờ làm chủ cuộc chơi và nắm bắt những trào lưu mới thông qua các sản phẩm cốt lõi gồm Fujifilm X-T3, X-T30, Sony a9, A7R III,...

Ông Hiroyuki Ikegami, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh hình ảnh Nikon, nhận xét giới trẻ ngày càng quan tâm đến nhiếp ảnh, tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn, còn người cao tuổi lại bị thu hút bởi những công nghệ mới của máy ảnh không gương lật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch CIPA kiêm Phó Chủ tịch Sony Shigeki Ishizuka cho rằng smartphone đã biến chụp ảnh thành một hoạt động hàng ngày, dẫn đến lượng nhiếp ảnh gia giỏi chuyển hướng sang máy ảnh hoán đổi ống kính tăng vọt.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2024, do sở thích của người tiêu dùng chuyển sang máy ảnh điện thoại thông minh. Các lô hàng máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng trong thập kỷ qua. Hầu hết các hãng sản xuất máy ảnh kỹ thuật số lớn cũng đều ghi nhận doanh số sụt giảm và biến động trong vài năm trở lại đây.

Nhiều lệnh cấm du lịch khác nhau được áp dụng ở các quốc gia khác nhau trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đã khiến các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bị mất thu nhập, dẫn đến thiếu nguồn lực để mua các mẫu máy ảnh mới. Điều này đã làm giảm nhu cầu sản xuất máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, sau đại dịch, thị trường đang phát triển nhanh chóng do tung ra nhiều sản phẩm mới.

Sự tăng trưởng này được hỗ trợ thêm bởi việc dỡ bỏ các lệnh cấm du lịch, tạo cơ hội mở rộng thị trường. Các nhà sản xuất Nhật Bản nắm hơn 90% thị phần máy ảnh kỹ thuật số trong những năm trước đại dịch Covid-19. Dù vậy, ngay cả khi đã hồi phục sau thời kỳ dịch bệnh, thị trường toàn cầu vẫn chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao.

Thị trường máy ảnh kỹ thuật số có tính cạnh tranh cao do sự hiện diện của các công ty như Nikon Corporation, Sony Corporation và Canon Inc, cùng nhiều công ty khác. Mặc dù thị trường đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ thị trường điện thoại thông minh, nhưng những người chơi trên thị trường đang tập trung vào việc ra mắt sản phẩm để nhắm đến nhóm khách hàng thích hợp.