Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2023: Nhiều mặt hàng diễn biến trái chiều
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời gian nghỉ Tết cũng như tác động của khó khăn về đơn hàng, khiến giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2023 của Việt Nam chỉ đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 600 triệu USD, giảm gần 31%; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với tháng 1 năm trước.
THỦY SẢN VÀ LÂM SẢN GẶP KHÓ, NÔNG SẢN LẠI “SÁNG CỬA”
Nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2022, thì sang đến tháng đầu năm nay lại giảm về giá trị xuất khẩu.
Đơn cử như thủy sản, năm 2022 lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu thủy sản đang tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm ngoái, khi tháng 1/2023 chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/2022.
Trong đó: xuất khẩu tôm được hơn 169 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cá tra cá tra được 107 triệu USD, giảm 50%; xuất khẩu cá ngừ được gần 60 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gỗ cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết trong năm 2022, ngành gỗ trải qua hai giai đoạn khác biệt, nửa đầu năm giá trị xuất khẩu tăng cao, nhưng nửa cuối năm đơn hàng giảm sút, mất đơn hàng, các doanh nghiệp cắt giảm lao động. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022 vẫn đạt 16,923 tỉ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2021.
"Tháng 1/2023, có 5 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt thặng dư thương mại cao nhất gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; tôm; gạo và mặt hàng rau quả".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tình hình lạm phát trên thế giới diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2022, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn hàng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ, cũng như khó tìm ra những đơn hàng mới trong đầu năm 2023. Tình trạng thiếu đơn hàng, đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 1/2023 giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Trái lại, nhiều mặt hàng nông sản tuy có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong năm 2022, những đã bật tăng giá trị trong tháng đầu năm nay. Ví dụ như, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước trong tháng 1/2023 đạt 30 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2022 là 400 triệu USD, giảm 7,1% so với năm 2021.
Ở mặt hàng điều, xuất khẩu năm 2022 đem về 3,3 tỷ USD, giảm 10,1% về giá trị so với năm 2021. Sang đến tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu điều đạt 226 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 1/2022.
Ở mặt hàng rau quả, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 là 3,3 tỷ USD, giảm 5,68% so với năm 2021. Sáng đến tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân khiến trái cây trở thành mặt hàng được xuất khẩu mạnh trong tháng đầu năm là nhờ Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư đã được ký kết từ cuối năm 2022, tạo đà cho xuất khẩu năm 2023.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho hay đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1/2023 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Hoa Kỳ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này. Mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc.
KIÊN TRÌ MỞ RỘNG THỊ PHẦN TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến giữa tháng 1/2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 226.000 tấn với gần 115 triệu USD, tăng trên 41% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
“Thường cuối vụ giá gạo rất thấp, nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên năm nay, cuối vụ chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. Quan trọng hơn, khi giá gạo tăng thì người nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin.
"Trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Năm vừa qua, việc gạo ST25 được nhập khẩu chính ngạch, bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu, thậm chí loại gạo có thương hiệu từ Việt Nam được chọn đưa vào bếp ăn Nội các Nhật Bản là minh chứng cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng của ngành nông nghiệp.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết việc khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính đã tạo đà cho gạo Việt ngay những ngày đầu năm 2023. Công ty Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao đến đầu quý 2/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.
“Ngay từ mùng 4 Tết, Công ty của tôi đã trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, chúng tôi bán với giá từ 600-1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn", ông Phạm Thái Bình cho hay và tin tưởng năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thắng lớn.
Ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết thương hiệu gạo A An của Tân Long đã có mặt tại các thị trường lớn và có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Đức, Czech, Thụy Điển… Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực giá trị cao như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, Châu Âu (EU).
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" từ ngày 8/1/2023 thì hưởng lợi nhất chính là các ngành hàng nông sản tươi sống.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối thủy sản nhập khẩu.
“Thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao,… để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc”, ông Lê Bá Anh khuyến cáo.