14:47 04/03/2019

Xuất khẩu nông sản giảm trong 2 tháng đầu năm

Chu Khôi

Mặt hàng gạo lại gặp khó khi giá tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân đang vào vụ rộ

Diễn biến trên thị trường đang trái ngược với dự báo rằng xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong năm 2019 mà Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra vào tháng đầu năm.
Diễn biến trên thị trường đang trái ngược với dự báo rằng xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong năm 2019 mà Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra vào tháng đầu năm.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản và lâm sản vẫn tăng trưởng khá. Thế nhưng, nhóm các mặt hàng nông sản (lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu...) lại giảm 10,1% về giá trị kim ngạch. Điều này đã kéo tụt kết quả xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản, tổng kim ngạch 2 tháng đầu năm giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 5,5 tỷ USD.

Ngày 1/3/2019, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) tổ chức họp báo về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2, dự báo thị trường tháng 3/2019.

Thu hoạch rộ, giá lúa giảm

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2/2019 ước đạt 1,93 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,71 tỷ USD, giảm 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 77 triệu USD, giảm 7%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8%. 

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 2/2019 ước đạt 1,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 4,59 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với mặt hàng gạo, tháng 2/2019 xuất khẩu ước đạt 399.000 tấn với giá trị 169 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 837.000 tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm tới 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Về thị trường xuất khẩu, Philippines đứng vị trí thứ nhất với 46,7% thị phần, tăng 53,8% về khối lượng và tăng 41,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Hồng Kông (gấp 3,3 lần), Úc (gấp 2,4 lần), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (tăng 85,5%), Gana (tăng 47,9%) và Philippines (tăng 41,6%). Về chủng loại gạo, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 64% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 23%; gạo nếp chiếm 9% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 4% trong tổng giá trị kim ngạch. 

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 68%), Cuba (chiếm 20%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất gồm Bờ Biển Ngà (chiếm 21%), Ghana (chiếm 14%) và Malaysia (chiếm 11%).

Điều đáng lo ngại là, tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm trong bối cảnh thu hoạch vụ Đông Xuân đang vào vụ rộ. 

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm từ 6.000 đồng/kg xuống còn 5.400 đồng/kg; lúa OM 4218 giảm 300 đồng/kg; lúa OM 6976 giảm 300 đồng/kg; lúa Jasmine giảm 400 đồng/kg. 

Những diễn biến trên trái ngược với dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra vào tháng đầu năm, rằng: Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong năm 2019. 

Khi phóng viên thắc mắc điều này, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay: "Về dự báo giá gạo, thông tin dự báo đưa ra là tại thời điểm đó khi chúng ta tận dụng các lợi thế của ngành lúa gạo. Nhưng thị trường diễn biến khôn lường, nên việc dự báo chưa trúng và đúng".

Chính phủ vào cuộc giải cứu giá

Theo ông Toản, Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ổn định trong 3 ngày cuối tháng 2, không giảm xuống nữa. 

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp, có giải pháp tháo gỡ cụ thể như: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để thu mua kịp thời lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. 

Trước diễn biến của thị trường xuất khẩu lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đề xuất giảm diện tích trồng lúa không hiệu quả, đặc biệt là ở những khu vực nhiễm mặn, vùng thiếu nước sản xuất đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng của IPSARD cho hay, trong bức tranh xuất khẩu của nông sản Việt Nam có nhiều mảng màu sáng tối đan xen. Trong các mặt hàng cây công nghiệp, trừ chè là có sự gia tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, còn lại hầu hết các mặt hàng đều giảm cả lượng và giá trị như: cà phê, tiêu, điều; cây cao su mặc dù sản lượng tăng nhưng giá tiếp tục giảm.

Đề cập nguyên nhân giảm giá các sản phẩm cây công nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, có hiện tượng dư cung trên thị trường quốc tế. Cụ thể, đối với cây cà phê, sau thời điểm giá cao trong giai đoạn 2010-2011, đã đẩy các nước thực hiện các chương trình tái canh cây cà phê. 

Tại Brazil hay Colombia việc thực hiện chương trình tái canh, tăng năng suất khiến sản lượng của Colombia tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2010-2011, tương tự như vậy, cà phê của Brazil cũng tăng gấp rưỡi so với thời điểm 2010-2011. Ngành hàng này được dự báo đến giữa năm 2019 giá vẫn tiếp tục suy giảm.

Tương tự như vậy, đối với mặt hàng tiêu, thời điểm giá tiêu tăng dẫn đến tình trạng các nước mở rộng diện tích trồng tiêu, tăng cung một cách quá mạnh. Dẫn đến giá tiêu hiện nay giảm, dự báo con số sẽ giảm xuống 40.000 đồng/kg, gần bằng với giá thành. 

Theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế, chu kỳ giảm giá các sản phẩm cây công nghiệp phải hết năm 2019 mới kết thúc và mới có thể phục hồi. Do đó, giải pháp đưa ra trong thời gian tới đó là vẫn phải duy trì bằng sản lượng, chất lượng, bảo vệ năng lực sản xuất trong nước.