Xuất khẩu nông sản Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng
Nông sản Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là mặt hàng gạo khi có mức xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây. Cùng với đó, vượt qua nhiều mặt hàng trái cây nhiệt đới, sầu riêng trở thành loại trái cây “vua” khi có giá trị xuất khẩu khá lớn…
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Xuất khẩu nông nghiệp mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo về xuất khẩu nông sản cuối tháng 10/2023 của HSBC cho thấy, mặc dù 90% xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thương mại trong năm nay, nhưng riêng nông sản (chiếm 10% còn lại) vẫn vươn lên bất chấp nghịch cảnh.
Theo các chuyên gia, dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng GDP nhưng vai trò nông nghiệp được đánh giá cao. Trong bối cảnh các lĩnh vực khác ghi nhận mức sụt giảm hai con số, xuất khẩu nông nghiệp tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, tính trên cơ sở bình quân 3 tháng.
Trong số các điểm đến xuất khẩu, châu Á chiếm chủ yếu, trong đó Trung Quốc (25%) và ASEAN (18%), hai thị trường này cộng lại chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Sau đó là tới các nước phương Tây với 27% thị phần.
Bên cạnh đó, với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng. Theo đó, thủy sản chiếm gần 40% trong cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp, sau đó là tới cà phê Robusta (14%), gạo (12%) và trái cây/rau củ (11%).
CHỦ ĐỘNG GIẢM PHỤ THUỘC VÀO XUẤT KHẨU GẠO
Trong số các loại nông sản, gạo là loại nông sản có mức tăng trưởng vượt trội trong năm nay. Cụ thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng nhờ nhu cầu tăng vọt từ các nước trong khu vực và cuộc chạy đua giá gạo toàn cầu gần đây.
Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ (40%) và Thái Lan (15%), Việt Nam (13%) đã được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chạy đua giá gạo gần đây trên thị trường gạo toàn cầu.
Kể từ tháng 7, giá xuất khẩu tiêu chuẩn của gạo Thái Lan đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm gạo và gián đoạn thời tiết. Kể từ đó, những diễn biến này dẫn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu gạo cũng như đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Theo chiến lược xuất khẩu gạo mới công bố gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm xuất khẩu gạo xuống chỉ còn 4 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, bằng một nửa so với mức ước tính của năm 2023, với lý do cần “thúc đẩy gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Động thái này ẩn chứa nhiều thông điệp đối với các đối tác thương mại, đặc biệt là các nước ASEAN.
Hiện nay, ba nước ASEAN nằm trong top 6 nước mua nhiều gạo của Việt Nam nhất lần lượt là Philippines đã chiếm tới 45%, sau đó là tới Malaysia (khoảng 7,5%) và Singapore (gần 3%). Xuất khẩu gạo của Việt Nam là nguồn cung không thể thiếu cho các quốc gia này, với tỷ trọng tương ứng là 80%, 34% và 23% trong danh mục nhập khẩu gạo.
Mặc dù cơ hội mở ra, Việt Nam vẫn đang phải tìm cách cân bằng nhu cầu an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Dự báo, Việt Nam có thể xuất khẩu 7 đến 8 triệu tấn gạo trong năm nay, nghĩa là tăng tối đa 14% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu gạo cũng như đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
TRUNG QUỐC: ĐỐI TÁC QUAN TRỌNG CỦA VIỆT NAM
Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần để hưởng ứng nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022. Hiện nay, 80% thanh long và 90% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc.
Cùng với mức tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo, nông dân trồng sầu riêng Việt Nam đã chứng kiến xuất khẩu tăng vọt nhờ niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc đối với loại trái cây vua này.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục (tăng 1.400% so với cùng kỳ năm trước) tính đến quý 3/2023, kết quả này đảm bảo cho sầu riêng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam với tỷ trọng lên đến gần 40%.
Đồng thời, Trung Quốc là một quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với mặt hàng gạo và thủy sản của Việt Nam, quốc gia này chiếm tỷ trọng chính lên đến 65% thị phần trái cây/rau củ của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Thái Lan, quốc gia thống trị 95% xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường sầu riêng nội địa của Trung Quốc cũng như các sản phẩm nội địa Trung khác như dừa, thanh long và xoài.
Nhìn chung, sau tháng 9 có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu Việt Nam tháng 10 tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Với nhiều hiệu ứng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng cuối năm. Đây là tín hiệu cho sự phục hồi được mong đợi từ lâu trong lĩnh vực thương mại, được kỳ vọng sẽ nâng mức tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6-6,5% (HSBC dự báo tăng trưởng đạt 6,3%).