Xuất khẩu Singapore lao dốc, “điềm xấu” về kinh tế toàn cầu?
Kinh tế Singapore được xem là một “hàn thử biểu” về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu
Xuất khẩu của Singapore sụt giảm mạnh trong tháng 6, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là tín hiệu xấu mới nhất về nền kinh tế của đảo quốc sư tử, đồng thời được xem là một "điềm báo" không mấy tốt lành về sức khỏe kinh tế toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu được Singapore công bố ngày 17/7 cho biết giá trị xuất khẩu không bao gồm xăng dầu của nước này trong tháng 6 giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 16,3% trong tháng 5. Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 9,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trong quý 2, kinh tế Singapore bất ngờ sụt giảm mạnh, khiến giới phân tích cắt giảm mạnh triển vọng tăng trưởng cả năm và cho rằng nền kinh tế này sắp rơi vào một cuộc suy thoái.
Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy nền kinh tế nước này giảm 3,4% trong quý 2 so với quý 1, sau khi tăng 3,8% trong quý đầu năm.
Với độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại, kinh tế Singapore được xem là một "hàn thử biểu" về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, dòng dữ liệu xấu liên tiếp của kinh tế Singapore được xem là một sự phản ánh rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gây sức ép lớn lên kinh tế thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/7 giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore 2019 còn 2%, từ mức 2,3% đưa ra trong lần dự báo trước.
Đầu tuần này, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 6,2% trong quý 2, mức tăng yếu nhất 27 năm. Xuất khẩu tháng 6 của Trung Quốc giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia cũng đồng loạt sụt giảm.
Cũng trong tháng 6, xuất khẩu hàng điện tử của Singapore giảm 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 31,6% trong tháng 5. Trong đó, các thị trường chứng kiến mức giảm mạnh nhất là Hồng Kông (giảm 38,2%), Nhật Bản (giảm 23,2%), và Hàn Quốc (giảm 22,7%).