Xuất khẩu thủy sản: Dự báo dễ vào Trung Quốc, khó ở EU
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý, từ ngày 1/7/2018 Trung Quốc sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); trong khi, EU tiếp tục giữ cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam đến tháng 1/2019...
Theo đó, các thị trường chính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 52,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là Hà Lan (tăng 63,1%), Đức (tăng 27,7%), Hồng Kông (tăng 23,6%), Trung Quốc (tăng 18,7%), Anh (tăng 18,2%) và Thái Lan (tăng 18,1%).
Trong tháng 6/2018, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng nhẹ cụ thể: tại Cà Mau, giá tôm sú loại 20 con/kg đạt 246.000 đồng/kg tăng 6.000 đồng/kg so với tháng trước; loại 40 con/kg đạt 139.000 đồng/kg tăng 9.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá tôm nguyên liệu thế giới tăng nhẹ từ 0,15 - 0,39 USD/kg so với tháng trước, đồng thời nhiều doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu mới đã được ký kết.
Giá cá tra nguyên liệu vẫn tiếp tục ở mức cao 30.000 -32.000 đồng/kg. Trái lại, giá cá tra giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi một số vùng nuôi đã qua đợt cao điểm thả nuôi.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ khả quan đặc biệt tại thị trường Trung Quốc khi từ ngày 1/7/2018 sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... Đặc biệt, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7% sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Trong thời gian tới, nhiều dự báo xuất khẩu tôm, cá tra sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản hai nước đã đề nghị Hải quan cửa khẩu Hà Khẩu cải tiến cách thức thông quan hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu này được thuận lợi...
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm.
Chương trình giám sản thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ đang áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh, cá hồng, hải sâm, các loài cá nhám, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vàng và vây xanh...), và từ năm 2019, chương trình này sẽ áp dụng cho tôm.
Đặc biệt, Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ tháng 10/2017, từ đó đến nay tuy chưa đánh giá về thiệt hại nhưng xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU đã gặp nhiều ảnh hưởng, do 100% các lô hàng xuất khẩu phải chuyển về kho do phía EU chỉ định để đánh giá trước khi ra thị trường, chi phí do đó đã tăng cao. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho hay, việc Việt Nam bị EU phạt 'thẻ vàng" khiến họ bị tổn thất, ảnh hưởng nặng nề.
Tháng 5 vừa qua, một phái đoàn của EU đã đến Việt Nam để đánh giá việc khắc phục sau nửa năm EU cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên sau đợt đánh giá này, thay vì rút cảnh báo thẻ vàng với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam thì EU lại vừa chính thức thông báo sẽ kéo dài cảnh báo này đến tháng 1/2019 và sẽ đánh giá lại sau đó để quyết định rút hay tiếp tục cảnh báo.
Cuối tuần vừa qua tại hội nghị sơ kết đánh giá 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, EU đã có thông báo chính thức về việc tiếp tục kéo dài cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
EU đưa ra 4 lý do tiếp tục cảnh báo thẻ vàng. Đó là: việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia); hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ; cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản.
Vì vậy, dự kiến ngày 3/7/2018, Tổng cục Thủy sản sẽ họp báo công bố các biện pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU.
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này (hiện Tổng cục Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao chủ trì xây dựng thương hiệu tôm và cá tra theo đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế".
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu tôm Việt Nam tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018). Ngành thủy sản đề ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản sẽ đem về 9 tỷ USD trong năm nay.