Xuất khẩu xanh: Yếu tố giúp ngành chế biến nông sản giành đơn hàng
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và xuất khẩu bền vững đang gây áp lực cho ngành nông nghiệp nhưng cũng tạo cơ hội giúp ngành này tăng lợi thế cạnh tranh...
Dù xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng những năm gần đây, đạt khoảng 40 tỉ đô la Mỹ mỗi năm và cán mốc kỷ lục 53,22 tỉ đô la Mỹ năm 2022, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước được cho là đã mất đơn hàng vào tay đối thủ do chậm triển khai các cam kết bền vững.
Lấy ví dụ từ EU, đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này.
Nhìn chung, sản xuất lương thực tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu tăng trưởng xanh. Tại một hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, đồng thời nhận định “xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội”.
Làm thế nào để bắt đầu quá trình xanh hóa? Đây là một trong những câu hỏi chính được nêu ra ở Diễn đàn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam. Chuyên gia tham dự sự kiện đã chia sẻ kết quả từ các dự án hỗ trợ nhà sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định về môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tại Việt Nam, đã chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ nông dân trồng rau ở Mộc Châu đạt chứng nhận VietGAP. Câu chuyện thành công của dự án cho thấy việc nhắm đến các kênh phân phối giá trị cao như các chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Hà Nội sẽ góp phần tạo ra những thay đổi bền vững trong quy trình canh tác và chế biến.
Bà An cho biết: “Câu chuyện này khẳng định vai trò của các doanh nghiệp trong việc khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn được chứng nhận cho các thị trường chất lượng cao”.
Dự án cung cấp đào tạo về kỹ thuật và kinh doanh cho các hộ nông dân, giúp họ có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng của các nhà bán lẻ cao cấp, mang về doanh thu cao gấp năm lần so với trước đây.
“Việc nông dân, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và đối tác phát triển cùng tham gia và chia sẻ một tầm nhìn chung đã tạo ra những lợi ích to lớn cho các bên liên quan, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ”, bà nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành quốc gia của Bureau Veritas Việt Nam (tổ chức hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận), khẳng định rằng quy trình chứng nhận mang lại nhiều cơ hội học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất của các đối tác trong chuỗi cung ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn. Qua đó, thương hiệu nông sản Việt Nam có thể được nâng tầm và quảng bá tốt hơn.
Ông nhấn mạnh lại vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp chế biến thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, lấy ví dụ từ thành công của dự án Trung hòa carbon cho hệ thống trang trại của Vinamilk. Trang trại Nghệ An của Vinamilk là trang trại đầu tiên được chứng nhận trung hòa carbon PAS 2060.
Một nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí quốc tế Journal of Supply Chain Management và Business Strategy and the Environment của nhóm nghiên cứu tại RMIT gồm Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Robert McClelland, Giáo sư Mathews Nkhoma, Phó giáo sư Phạm Công Hiệp cùng các giáo sư ở Ireland và Vương quốc Anh, đã khảo sát 437 nhà sản xuất tại bảy quốc gia.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nỗ lực xuất khẩu mang lại cho các doanh nghiệp cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết áp lực xanh từ khách hàng và mở lối cho các biện pháp bền vững tốt hơn. Những phát hiện này nêu bật thực tế rằng doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận với những thị trường khó tính hơn và học hỏi các tiêu chuẩn, quy trình và mô hình mới.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định: “Một khi tất cả các công ty cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
“Đáp ứng các quy định về môi trường và yêu cầu bền vững cao hơn là nhiệm vụ cần thiết trong việc phát triển chiến lược kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là một việc nên làm bởi vì đây thường không còn là sự lựa chọn nữa mà là yêu cầu bắt buộc do thực tế của nền kinh tế tuần hoàn đặt ra”, Tiến sĩ Hùng nói.