Xuất nhập khẩu đạt gần 145 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đến hết ngày 15/3/2024 đạt 144,99 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 5,57 tỷ USD…
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2024 (từ ngày 01/3 đến ngày 15/3/2024) đạt 31,58 tỷ USD, tăng 11,1% (tương ứng tăng 3,17 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2024 đạt 144,99 tỷ USD, tăng 17,7%, tương ứng tăng 21,79 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 99,21 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 12,55 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 3 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 560 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 5,57 tỷ USD.
NHIỀU NHÓM HÀNG TĂNG TRƯỞNG KHẢ QUAN
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3 năm 2024 đạt 16,07 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 1,34 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 02/2024.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2024 ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may tăng 231 triệu USD, tương ứng tăng 21,8%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 202 triệu USD, tương ứng tăng 49,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 164 triệu USD, tương ứng tăng 28,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 159 triệu USD, tương ứng tăng 9%...
Như vậy, tính đến hết 15/3/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 75,28 tỷ USD, tăng 19,6% tương ứng tăng 12,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 3,45 tỷ USD tương ứng tăng 36,8%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,04 tỷ USD, tương ứng tăng 13,3%; hàng dệt may tăng 660 triệu USD, tương ứng tăng 11,4%... so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2024 đạt 11,4 tỷ USD, tăng 5% tương ứng tăng 543 triệu USD so với kỳ 2 tháng 2/2024.
Tính đến hết ngày 15/3/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 54,46 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 7,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2024 đạt 15,51 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 1,83 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2024.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 283 triệu USD, tương ứng tăng 18,3%; xăng dầu các loại tăng 208 triệu USD, tương ứng tăng 80,4%; hạt điều tăng 114 triệu USD, tương ứng tăng 92,4%...
Như vậy, tính đến hết 15/3/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 69,71 tỷ USD, tăng 15,7% (tương ứng tăng 9,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,05 tỷ USD, tương ứng tăng 25,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,09 tỷ USD, tương ứng tăng 14,8%; sắt thép các loại tăng 750 triệu USD, tương ứng tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,74 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 720 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 2/2024. Tính đến hết ngày 15/3/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 44,75 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 5,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
TIẾP TỤC THEO DÕI SÁT DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG ĐỂ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong những tháng đầu năm 2023, song theo nhận định của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.
Thuận lợi là thị trường các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED – 2%).
Hơn nữa, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Nhưng khó khăn, đó là kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Ngoài ra, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…
Từ những phân tích trên, Tổng cục Thống kê đề nghị các Bộ, ngành vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững.
Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hiện nay, ngoài 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), còn có 3 FTA Việt Nam đang đàm phán, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia khuôn khổ đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; FTA giữa Việt Nam và UAE hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. Vì vậy, cần khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.