18:21 28/03/2024

Ý nghĩa bền vững đằng sau bộ sưu tập thời trang của Vua Charles III

Minh Nguyệt

Triển lãm Royal Garden Waste to Fashion’s Future kéo dài từ nay đến ngày 11/10, trưng bày thành quả của sự kết hợp giữa Vua Charles III và 2 nhà thiết kế thời trang danh tiếng Vin Cara, Omi Ong…

Ảnh: ITVX
Ảnh: ITVX

Ngày 22/3, Vua Charles III của Vương quốc Anh tổ chức buổi trưng bày các thiết kế thời trang, mang tên “Royal Garden Waste to Fashion’s Future” (Rác thải của khu vườn hoàng gia và tương lai ngành thời trang). Triển lãm khai mạc tại Sandringham Estate, tài sản riêng của gia đình hoàng gia ở Hạt Norfolk, Anh.

Những thiết kế này nằm trong show thời trang cùng tên diễn ra hồi cuối năm 2023, cũng là buổi trình diễn đánh dấu sự hợp tác giữa Vua Charles III và các nhà thiết kế Vin Cara, Omi Ong. Các thiết kế trong triển lãm được tái chế từ rác thải trong các khu vườn ở Sandringham và Highgrove House - nơi ở của nhà vua.

Theo tờ Hello, nhà tạo mẫu Vin Cara và Omi Ong làm việc với nhà vua từ năm 2018 vì mối quan tâm chung của họ đối với sự bền vững. Vua Charles, người được biết đến là người nhiệt liệt ủng hộ môi trường và yêu thích nghề may đo, sau đó đã mời các nhà thiết kế đến Highgrove để sàng lọc rác thải trong vườn và xem liệu họ có thể tạo ra vật liệu từ nó hay không. Năm 2020, bằng cách sử dụng cây tầm ma từ Highgrove, Vin và Omi đã tạo ra một loại vải dệt đa năng, sau này được may thành váy và trang phục cho buổi trình diễn thời trang Sting ở London của họ.

Những thiết kế này nằm trong show thời trang cùng tên diễn ra hồi cuối năm 2023.
Những thiết kế này nằm trong show thời trang cùng tên diễn ra hồi cuối năm 2023.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà tạo mẫu Vin Cara cho biết Vua Charles III liên tục đề xuất các dự án và ý tưởng mới trong thời gian qua. Khi đi dạo trong khuôn viên Castle Mey - nơi ở cũ của hoàng gia tại Scotland, nhà vua đã gửi cho các nhà thiết kế nguồn cung bông gòn đến từ xưởng sản xuất cũ của nhiều nhà mốt. Vua Charles III cho phép Vin Cara và Omi Ong tự do thử nghiệm, sử dụng bất cứ nguyên liệu nào từ các mảnh vườn của hoàng gia.

2 nhà tạo mẫu này nhanh chóng làm việc với đội ngũ làm vườn tại những khu vườn hoàng gia, tuy nhiên, đích thân nhà vua cũng tham gia vào quá trình thiết kế, nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, truyền tải được thông điệp bảo vệ môi trường đến người xem. Nỗ lực này của Vua Charles III được thể hiện rõ ràng trong buổi trình diễn thời trang vừa qua.

Bộ sưu tập sẽ gồm 24 sản phẩm may mặc và phụ kiện kết hợp ý thức sinh thái với sự đổi mới, bao gồm cả chiếc váy maxi đầu tiên trên thế giới được tạo ra bằng butterbur - một loại cây đầm lầy châu Á mọc bên cạnh các hồ ở Sandringham. Một chiếc váy thanh lịch được làm từ sợi cellulose ở cây liễu, bổ sung hoạ tiết được tạo từ mật cây sồi tại Highgrove. Hay một mẫu đầm dạ hội quyến rũ khác cũng được dệt từ sợi cellulose trên cây liễu, đính kết thêm hoa cẩm tú cầu, cũng có nguồn gốc từ khu vườn trù phú…

Một loại vải mới được tạo ra từ butterbur - một loại cây đầm lầy châu Á mọc bên cạnh các hồ ở Sandringham.
Một loại vải mới được tạo ra từ butterbur - một loại cây đầm lầy châu Á mọc bên cạnh các hồ ở Sandringham.

Ngoài ra, một số thiết kế đã được nhuộm bằng thuốc nhuộm thực vật và những chậu cây "khó tái chế" đã được sử dụng để làm đồ trang sức. Một trong các món đồ đặc biệt được trưng bày tại Sandringham là chiếc váy cuộn làm từ cây tầm ma và nhuộm bằng cánh hoa hồng rụng. Bức tranh thiên nhiên này ẩn chứa thông điệp về vấn đề tái chế, bảo vệ môi trường, thể hiện nỗ lực của Vua Charles III trong việc xây dựng và củng cố lối sống bền vững, mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng. Động thái này cũng nhằm dập tắt tin đồn ác ý liên quan đến sức khỏe của người đứng đầu Hoàng gia Anh, theo New York Times.

Vua Charles đã trải qua cuộc phẫu thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt hồi tháng 1. Cung điện Buckingham vào tháng 2 tiết lộ ông phải điều trị thêm căn bệnh ung thư song không nói chi tiết, điều đó đồng nghĩa ông phải hoãn các hoạt động cộng đồng của hoàng gia. Hoàng hậu Camilla tuần trước cho biết tình trạng sức khỏe của Vua Charles "đang rất tốt", khi bà được đám đông chào đón trong chuyến thăm Bắc Ireland.

Vua Charles III không được lòng dân chúng vì đời tư tai tiếng nhưng phong cách thời trang của ông thì vẫn luôn được đánh giá cao. Ông nổi tiếng là có con mắt tinh tường và rất quan tâm đến ngoại hình, nhưng chưa bao giờ cố gắng để trở thành một biểu tượng thời trang, mà chỉ nỗ lực mang đến hình ảnh của một quý ông người Anh đích thực. Vào năm 2009, tạp chí Esquire đã vinh danh Hoàng tử Charles là “Người đàn ông mặc đẹp nhất thế giới” bởi gu thời trang tinh tế và vượt thời gian.

Bức tranh thiên nhiên này thể hiện nỗ lực của Vua Charles III trong việc xây dựng lối sống bền vững, mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Bức tranh thiên nhiên này thể hiện nỗ lực của Vua Charles III trong việc xây dựng lối sống bền vững, mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Vua Charles cũng nổi tiếng là người quan tâm đến lối sống bền vững và các sản phẩm hữu cơ. Bữa sáng ưa thích của Vua Charles là bánh mì tự làm với các loại bột giàu dinh dưỡng như lúa mạch đen, ăn kèm trứng và salad. Nhà vua cũng thường ăn nấm hoang và mận được hái từ khu vườn nhà ở Highgrove. Vào tháng Vua Charles đăng quang, Cung điện Buckingham đã đăng tuyển một đầu bếp thuần chay để chuẩn bị bữa ăn cho quốc vương. Trước đây, ông từng kể về thói quen ăn chay không liên tục của mình, cho biết nó có lợi ích với môi trường. Ông cũng không ăn các loại thịt có nguồn gốc từ trang trại công nghiệp.

Niềm đam mê canh tác hữu cơ của ông cũng được biết đến từ khi ông còn là Hoàng tử xứ Wales. Hơn 35 năm trước, ông đã chuyển đổi Home Farm, gần dinh thự Highgrove của mình, thành một trang trại hữu cơ hoàn toàn - một động thái mà ông đã bị công chúng chỉ trích khi đó. Sau này, ông đã chứng minh cho những người cười mình rằng ông đã đi trước một bước khi nói đến sinh thái và môi trường.

Nhà vua cũng từ lâu đã ủng hộ truyền thống thủ công - bao gồm cả thời trang. Như ông thường nói: “Mua một lần, mua đồ tốt”. Nghĩa là ông ủng hộ mọi người đầu tư vào những món đồ tốt để sử dụng lâu dài. “Tôi không thể chịu được bất kỳ sự lãng phí nào, kể cả lãng phí thực phẩm,” ông nói với tổng biên tập tạp chí Vogue Anh Edward Enninful vào năm 2021. “Đó là lý do tại sao tôi đã nói rất lâu về sự cần thiết của một nền kinh tế tuần hoàn, thay vì một nền kinh tế tuyến tính nơi bạn chỉ lấy và vứt đi – đó là một bi kịch, bởi vì chắc chắn chúng ta khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên khiến chúng cạn kiệt nhanh chóng”.

Năm 2009, tạp chí Esquire đã vinh danh Hoàng tử Charles là “Người đàn ông mặc đẹp nhất thế giới” bởi gu thời trang tinh tế và vượt thời gian.
Năm 2009, tạp chí Esquire đã vinh danh Hoàng tử Charles là “Người đàn ông mặc đẹp nhất thế giới” bởi gu thời trang tinh tế và vượt thời gian.

Năm 2021, ông đã bổ nhiệm Federico Marchetti, người sáng lập và cựu chủ tịch của Yoox Net-a-Porter, làm người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm về thời trang của Sáng kiến Thị trường Bền vững. Tại cuộc họp G-20 ở Rome vào tháng 10/2021, họ đã giới thiệu Digital ID, một công nghệ truy xuất nguồn gốc, được truy cập thông qua mã QR hoặc NFC (như Apple Pay), để theo dõi một mặt hàng thời trang từ khi sản xuất đến khi bán lại.

Trước đó, năm 2020, Charles và ông Marchetti cũng đã ra mắt The Modern Artisan, một chương trình đào tạo tại Dumfries House, nơi các sinh viên thời trang thiết kế các bộ sưu tập nam và nữ bền vững để bán trên Yoox Net-a-Porter, nhằm tài trợ cho quỹ từ thiện The Prince's Foundation. “Đó là một thành công lớn,” ông Marchetti nói với tờ Vogue Anh. “Chúng tôi đã bán được một nửa sản phẩm trong vòng hai tuần”.