16:25 24/04/2024

FDI – Tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực AI

Lý Hà

Samsung đang trở thành tấm gương khuyến khích nhiều gã công nghệ khổng lồ trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ thành công trong sản xuất mà Samsung còn thành công trong nghiên cứu và phát triển nhiều lĩnh vực trong đó có việc hỗ trợ tính năng dịch tiếng Việt bằng GenAI trên Galaxy S24.

Samsung đã đưa Việt Nam từ một nơi sản xuất trở thành nơi nghiên cứu phát triển (R&D) của Samsung trên toàn cầu với sự tham gia của  nguồn nhân lực người Việt.
Samsung đã đưa Việt Nam từ một nơi sản xuất trở thành nơi nghiên cứu phát triển (R&D) của Samsung trên toàn cầu với sự tham gia của  nguồn nhân lực người Việt.

Trong giai đoạn mới hiện nay, Việt Nam đang định hướng thu hút những FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, nhờ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người Việt. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Samsung đã cho thấy sự thành công của mình khi đầu tư vào Việt Nam.

Khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đã đến từ Việt Nam. Và đúng như cam kết với Chính phủ Việt Nam, Samsung đã đưa Việt Nam từ một nơi sản xuất trở thành nơi nghiên cứu phát triển (R&D) của Samsung trên toàn cầu với sự tham gia của  nguồn nhân lực người Việt.

ĐẦU TƯ VÀO R&D ĐỂ THU HÚT TÀI NĂNG

Có thể nói việc thu hút thành công vốn FDI vào Việt Nam từ các nước có nền kinh tế phát triển vừa góp phần nâng chất lượng dòng vốn FDI vùa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Thực tế nhiều năm nay, nguồn vốn FDI từ Samsung, Hàn Quốc đã tạo sức ép để doanh nghiệp trong nước tiên tiến, phát triển công nghệ và quản trị.

Hơn nữa, việc Samsung khánh thành  tòa nhà Samsung R&D tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cuối năm 2022 với quy mô đầu tư 220 triệu USD đã đưa nơi đây trở thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển  lớn nhất của Samsung (SRV) tại khu vực Đông Nam Á.

Các kỹ sư Việt Nam làm việc và nghiên cứu tại SRV - Ảnh: SRV
Các kỹ sư Việt Nam làm việc và nghiên cứu tại SRV - Ảnh: SRV

Các lĩnh vực nghiên cứu của SRV theo 4 nhóm lĩnh vực chính như: Phát triển các phần mềm thương mại cho các thiết bị thông minh của Samsung; Đưa ra các giải pháp phần mềm và dịch vụ tiên tiến với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ phần mềm hàng đầu thế giới; Đảm bảo chất lượng các gói phần mềm mạng, máy chủ cho hệ thống mạng 4G/5G của Samsung đang triển khai tới các khách hàng trên toàn cầu, thông qua các công cụ tự động hóa thông minh; Nghiên cứu và thiết kế phần cứng, cơ khí cho các thiết bị thông minh trong các dòng sản phẩm của hàng đầu của Samsung, đồng thời hỗ trợ cho quy trình sản xuất phần cứng chuyên sâu tại các nhà máy SEV/T ở Việt Nam.

Những hoạt động đó đã tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nâng cao năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực R&D mà Việt Nam đang hướng đến. Nhiều tập đoàn cũng đã đầu tư vào R&D nhưng mới chỉ 2 tập đoàn lớn là Samsung và LG có Trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội.

Từ những ngày đầu thành lập đến nay, SRV luôn giữ nguyên triết lý kinh doanh của Samsung, đó là sự phát triển của công ty luôn đồng hành sự phát triển chung của xã hội. Các hoạt động nghiên cứu của SRV đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của SRV với các trường đại học của Việt Nam, qua đó thu hút nguồn nhân tài trong ở các trường và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Các kỹ sư làm việc và nghiên cứu tại Samsung.
Các kỹ sư làm việc và nghiên cứu tại Samsung.

Từ những hợp tác trong lĩnh vực phần mềm, Samsung Việt Nam đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực phần cứng và cả những khóa học liên quan đến công nghệ mới như AI, Big Data, IoT….

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, số lượng kỹ sư của Trung tâm vào thời điểm bắt đầu hoạt động là khoảng 2.000 người, nhưng hiện nay với sự đầu tư vào R&D của Samsung đã đưa số người làm việc tại đây lên 2.400 người. Đặc biệt, hầu hết số kỹ sư đang làm việc tại đây đều là người Việt Nam.

Họ đảm nhiệm mọi khâu trong các hoạt động R&D và chỉ có một số rất ít kỹ sư người Hàn Quốc, đóng vai trò cầu nối.  “Thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động đầu tư, tuyển dụng nhân lực cho các hoạt động R&D tại Việt Nam với quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất, để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu”, ông Choi Joo Ho cho hay.

Với sự đầu tư của Samsung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thu hút nhiều hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc đầu tư vào R&D tại Việt Nam.  Về phía Việt Nam, qua thực tế từ Samsung đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Về chính sách hỗ trợ, sẽ theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhất là trường hợp nhà đầu tư thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D.

KHẲNG ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỘI NGŨ NHÂN LỰC NGƯỜI VIỆT NAM

Về sự tham gia của đội ngũ nhân lực người Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV), ông Choi Joo Ho Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam xác nhận những tính năng mới trên Galaxy AI hiện nay có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Việt Nam.

Đó là đưa tiếng Việt đã trở thành một trong 13 ngôn ngữ được hỗ trợ tính năng GenAI. Khi giao tiếp, tính năng phiên dịch cuộc gọi của Galaxy AI hỗ trợ phiên dịch lên tới 13 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Nhân viên SRV tham gia các chương trình đào tạo.
Nhân viên SRV tham gia các chương trình đào tạo.

Ông Trần Tuấn Minh - kỹ sư, Trưởng nhóm nghiên cứu Language AI, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam cho biết để phát triển AI có chất lượng cao, nguồn dữ liệu lớn, đa dạng và được kiểm soát là những điều kiện tiên quyết.

Theo ông Minh, cái khó lớn nhất mà các kỹ sư người Việt phải đối mặt là nguồn dự liệu tiếng Việt còn quá ít, nếu so sánh với dữ liệu của các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Bởi  vậy, các kỹ sư người Việt  gặp phải rất nhiều khó khăn liên quan đến phương ngữ, từ lóng, từ đồng nghĩa, từ mượn, và những từ mới của thế hệ Gen Z.

Để giải quyết những vấn đề này, SRV phải huy động hàng trăm người để xử lý dữ liệu cho AI. Đội ngũ kỹ sư phải liên tục tạo ra dữ liệu để đào tạo AI, giúp AI hiểu và cho kết quả đầu ra chính xác. Đặc biệt, những nguồn dữ liệu này phải đảm bảo tính hợp pháp chứ không đơn thuần là dữ liệu thu thập tự do.

Nhân viên SRV được tận hưởng các chế độ phúc lợi sẵn có.
Nhân viên SRV được tận hưởng các chế độ phúc lợi sẵn có.

Riêng về công tác kiểm thử, để đảm bảo tính năng dịch chính xác và đảm bảo mức độ nhận giọng nói trong các môi trường tiếng ồn khác nhau, SRV không chỉ thực hiện kiểm thử trong môi trường phòng lab, mà còn đi đến nhiều địa điểm như Hồ Gươm, trung tâm thương mại, quán café để đảm bảo tính năng AI hoạt động tốt trong môi trường người dùng thực.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong vòng 4 tháng, từ con số 0, các kỹ sư của SRV đã tự mình làm chủ công nghệ và hoàn thiện AI cho tiếng Việt cho dòng sản phẩm S24.

Cơ sở vật chất hiện đại tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam.
Cơ sở vật chất hiện đại tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam.

Nói thêm về nguồn dữ liệu tiếng Việt, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang có kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam phải có ít nhất 1 nền tảng công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, có khả năng cung cấp dịch vụ cho các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác.

Thực tế, để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt cần phải giải quyết hai thách thức chủ yếu, đó là: Thu thập, xử lý các nguồn dữ liệu tiếng Việt ở dạng thô để hình thành nên bộ dữ liệu đầy đủ tiếng Việt và bộ dữ liệu chỉ dẫn tiếng Việt; Thiết lập một hạ tầng tính toán cho phép thực hiện huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn. Như vậy mới thấy rõ thêm năng lực của đội ngũ kỹ sư người Việt ở RSV.

Ngoài ra, Samsung còn nỗ lực bàn giao những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất cho kỹ sư Việt. Không những vậy các kỹ sư Việt đang nghiên cứu, bàn giao những công nghệ mới nhất cho các kỹ sư trong khu vực. Điều đó cho thấy thành quả của SRV trong việc chuyển giao công nghệ, vun trồng nhân tài của Samsung hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam.

Điều này cũng khẳng định chất lượng của nguồn nhân lực người Việt đối với yêu của của các FDI.