08:04 30/05/2024

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc chuyển trọng tâm sang ASEAN

Bảo Ngọc

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang để mắt tới một số công ty khởi nghiệp tại Pakistan và Đông Nam Á khi nhu cầu sử dụng Internet và ngân hàng số trong khu vực tăng nhanh…

Ông Grant Chum, Giám đốc Điều hành Sands China và cựu danh thủ người Anh David Beckham trong phiên thảo luận thuộc khuôn khổ Triển lãm BEYOND diễn ra vào ngày 23/5.
Ông Grant Chum, Giám đốc Điều hành Sands China và cựu danh thủ người Anh David Beckham trong phiên thảo luận thuộc khuôn khổ Triển lãm BEYOND diễn ra vào ngày 23/5.

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường Nam Á và Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và quốc gia này gia tăng, theo nhiều chuyên gia nhận định tại Triển lãm Sáng tạo Công nghệ Quốc tế BEYOND được tổ chức tại Macau (Trung Quốc).

Trước đó, GGV Capital, công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, đã trở thành nhà đầu tư lớn mới nhất chia hoạt động tại Hoa Kỳ và Trung Quốc thành các công ty riêng biệt khi căng thẳng giữa hai nước không có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Được mệnh danh là sự kiện thường niên lớn nhất Châu Á về xu hướng đổi mới công nghệ, BEYOND mô phỏng gần giống Triển lãm Điện tử Tiêu dùng Thế giới CES tổ chức hàng năm tại Hoa Kỳ. Sự kiện quy tụ nhiều thành tựu mới nổi bật đến từ khoảng 300 Tập đoàn đa quốc gia và các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới. 

Theo SCPM, hơn 500 diễn giả và 800 nhà triển lãm từ vô số ngành công nghiệp dịch vụ bao gồm chăm sóc sức khỏe, phát triển bền vững và công nghệ tiêu dùng đã góp mặt. Nhiều nhân vật nổi tiếng bao gồm ngôi sao bóng đá, doanh nhân David Beckham và ca sĩ thần tượng Jackson Wang cũng được mời đến trò chuyện bên lề sự kiện chính.

Các diễn giả phát biểu tại BEYOND Expo vào ngày 23/5/2024.
Các diễn giả phát biểu tại BEYOND Expo vào ngày 23/5/2024.

Cũng trong khuôn khổ BEYOND Expo 2024, nhà sản xuất pin ô tô điện Contemporary Amperex (tên gọi tắt là CATL) và Chính phủ Macau (Trung Quốc) vừa công bố thỏa thuận thúc đẩy phát triển xanh tại khu vực Quảng Đông và Đảo Hengqin. Chính quyền địa phương sẽ tận dụng quy mô, thị trường, công nghệ và nhân tài của CATL để theo đuổi nỗ lực xây dựng thành phố xanh bền vững.

NHIỀU NHÀ ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC ĐANG TÌM KIẾM CƠ HỘI MỚI TẠI NAM Á VÀ ASEAN 

Theo nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Thomas Tsao, quỹ đầu tư Gobi Partners đang để mắt đến một số cơ hội tại Pakistan, nhờ nền tảng dân số trẻ của đất nước, nhu cầu sử dụng ngân hàng số và internet ngày càng tăng cũng như nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

“Từ quan điểm chính trị, Trung Quốc và Pakistan khá thân thiết và đó là cơ hội thị trường lớn”, CEO Tsao cho biết vào cuối tuần trước tại BEYOND Expo. Một số công ty khởi nghiệp được Gobi Partners hỗ trợ cũng trưng bày sản phẩm và dịch vụ ở Triển lãm. 

Mặc dù tình hình địa chính trị có thể khiến nhiều công ty và nhà đầu tư lo lắng, nhưng Giám đốc Tsao lưu ý rằng với tư cách là nhà đầu tư giai đoạn đầu, Gobi Partners áp dụng cách tiếp cận “glass half-full”, tức là nhìn nhận tiềm năng của doanh nghiệp với tư duy “nửa ly nước đầy”. Đồng thời, vị CEO nói thêm rằng công ty sẽ xem xét nhiều xu hướng phổ biến để hiểu những gì đang diễn ra ở thị trường Châu Á.

DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA TÌM KIẾM ĐIỂM SÁNG BÊN NGOÀI TRUNG QUỐC

Hàng loạt gã khổng lồ công nghệ tại quốc gia tỷ dân như nhà điều hành nền tảng video ngắn Kuaishou đã và đang hướng tới nhiều khu vực ngoài Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ, điển hình như Indonesia, Brazil và Trung Đông. Hay Super Hi International, đơn vị trực thuộc chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng Haidilao, hy vọng việc niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ sẽ giúp tăng cường sự hiện diện quốc tế của hãng.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô tới các thị trường mới. 
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô tới các thị trường mới. 

Theo ông Ian Goh, đối tác sáng lập thuộc 01VC, quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có trụ sở tại Thượng Hải, rất nhiều công ty Trung Quốc đang mong muốn mở rộng dấu ấn kinh doanh ở thị trường nước ngoài, từ đó nhân rộng mô hình tổ chức.

Ông đánh giá không cao cách tiếp cận “light touch” để mở rộng thị trường mà nhiều công ty đang áp dụng, theo đó, chiến lược đưa nhân tài từ Trung Quốc “xuất khẩu” sang thị trường khác nhằm xây dựng nền móng cho cơ sở mới có thể không còn hiệu quả trong môi trường chính trị và kinh doanh phức tạp ngày nay.

Vị chuyên gia phát biểu tại sự kiện: “Chúng ta có thể xem xét việc đưa toàn bộ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến thị trường toàn cầu”. Ông nói thêm: “Phải suy nghĩ thật cẩn trọng về chiến lược mở rộng hoạt động” vì các công ty cần đàm phán bộ quy định khác nhau tùy vào mức độ cứng rắn ở mỗi thị trường.